Đưa nghệ thuật múa rối nước lên tầm cao mới

Khẳng định giá trị truyền thống dân tộc

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của Việt Nam, đã khẳng định được vị trí quan trọng trong nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, và cũng là niềm tự hào của người dân Việt Nam với bạn bè thế giới. Trong bức tranh chung về sự phát triển loại hình mùa rối nước truyền thống, múa rối nước ở Hà Nội nổi lên như một điểm sáng về bảo tồn và phát triển.

Múa rối nước dân gian lưu giữ những giá trị lịch sử

Không giống với loại hình văn hóa nghệ thuật khác, sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem thường thông qua kịch bản, ngôn ngữ và được thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất của diễn viên; thì với múa rối nước, sức hấp dẫn lại nằm ở hành động của con rối, ở kỹ thuật biểu diễn, ở kịch bản, ngôn từ, lời thoại và ở sân khấu nước…

Nói về sân khấu nước, Nghệ nhân Đinh Thế Văn (làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) cho hay: “Sân khấu rối nước chính là nhà thủy đình, trong nhà có buồng trò chuẩn bị biểu diễn, lấy mặt nước ao trước đình làng làm sàn diễn, nơi con rối thể hiện tích trò. Con rối cũng được tạo trên những mô phỏng hình mẫu thực tiễn đời sống cư dân nông nghiệp như: Con cá, con ếch, con trâu, hình ảnh người nông dân lam lũ đi cấy, chăn vịt”… Đề cập đến nghệ thuật múa rối nước, theo Thạc sĩ Mai Hiên (Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), múa rối nước cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống khác, là những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống quý giá của Việt Nam.

Đây là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo phong phú của con người Việt Nam, mà cụ thể là những người dân lao động từ cuộc sống bình dị của mình. “Múa rối nước giáo dục cho con người về lòng yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước…qua đó, hướng tới cái đẹp về tình người, tình làng nghĩa xóm trong văn hóa làng cùng châu thổ sông Hồng. Điều đáng nói ở đây là tính khuyến giáo đạo đức trong múa rối nước tồn tại ở dạng giản dị, hồn nhiên, rõ ràng và nhân văn, giao vào lòng người tình yêu thương con người, đưa con người vươn tới quyền dân chủ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên” - thạc sĩ Mai Hiên bày tỏ.

Từ những giá trị văn hóa đó, phong trào hoạt động múa rối nước ở Hà Nội được duy trì, phát triển rộng cả ở hình thức phường rối nước dân gian và mô hình các đơn vị múa rối nước chuyên nghiệp. Trong đó, về phường múa rối nước dân gian, theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng, trông số 15 phường rối nước đang duy trì hoạt động ở Việt Nam hiện nay, thì trên địa bàn Hà Nội có 4 phường rối là: Đào Thục (Đông Anh); Phú Đa, Chàng Sơn và Yên Thôn (Thạch Thất). Cùng với đó, những năm gần đây ở Hà Nội xuất hiện mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ nhân trẻ Phan Thanh Liêm. Đây là mô hình sân khấu rối nước di động để có thể mang đi biểu diễn ở nhiều nơi như: Trường học, cơ quan, gia đình, hay biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, hoặc lưu diễn ở nước ngoài…

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, với những bước đi táo bạo của loại hình múa rối nước, có thể nói, so với một số loại hình nghệ thuật khác như: Tuồng, chèo, cải lương… đang rơi vào cảnh thiếu vắng khán giả, thì rối nước hiện nay rất phát triển về hoạt động tổ chức biểu diễn, ngày càng thu hút khán giả. Số lượng chương trình biểu diễn múa rối nước theo đó tăng mạnh, cả ở phường múa rối nước dân gian, cũng như tại các nhà hát múa rối nước chuyên nghiệp.

Kết hợp rối nước với phát triển du lịch

Cũng giống như múa rối nước Việt Nam truyền thống, loại hình nghệ thuật múa rối nước ở Hà Nội mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thẩm mỹ, giáo dục, giải trí quý báu… Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, vấn đề đặt ra đối với múa rối nước Hà Nội là, làm thế nào để biến những giá trị vô hình thành giá trị hữu hình, khai thác được giá trị kinh tế của của loại hình nghệ thuật truyền thống này, trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa với yêu cầu bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc.

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Bích Thủy (khoa Văn hóa – Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội), mặc dù sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với kinh doanh du lịch đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, đưa lại lợi ích kinh tế - xã hội cho loại hình nghệ thuật múa rối nước, nhưng cũng không thể không nhắc đến những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, của hoạt động du lịch tới loại hình nghệ thuật vốn dung dị, mộc mạc này.

Cần tăng cường kết hợp múa rối nước với làm du lịch để bảo tồn, phát triển nghệ thuật rối nước.

Cũng theo thạc sĩ Phạm Bích Thủy, để khai thác múa rối nước như một sản phẩm phục vụ sự phát triển du lịch một cách tối ưu, thì cần một chuỗi giải pháp tổng thể. Trong đó, bên cạnh vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, thì việc đào tạo đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối nước giữ vai trò then chốt và quan trọng bậc nhất. Vì thế, việc đào tạo cần có sự bài bản, kết hợp với những kỹ năng, kỹ xảo để tiếp cận nhiều hơn với du khách. Những sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ múa rối nước hiện nay tại Hà Nội rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, bởi sự hiếu kỳ của họ đối với loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Trong khi đó, khán giả là người Việt Nam thì lại vắng bóng, mặc dù phần lớn người dân Việt Nam có xuất thân từ đồng ruộng.

“Ngày nay, cơ chế thị trường đã làm thay đổi thị hiếu, khiếu thẩm mỹ của công chúng theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, việc trang bị cho công chúng sự hiểu biết về văn hóa dân tộc, nghệ thuật dân gian truyền thống là vô cùng cần thiết. Thậm chí, đưa nghệ thuật truyền thống múa rối nước vào giảng đường, trường học…là một phương pháp khả thi cao. Từ đó, người học sẽ hiểu về nguồn cội, thêm yêu truyền thống của nghệ thuật dân gian”, thạc sĩ Bích Thủy cho hay.

Có thể nói, cùng với việc những giải pháp trên, để nghệ thuật múa rối nước kết hợp với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội rất cần cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan nghệ thuật rối nước; triển khai giới thiệu, quảng bá nghệ thuật rối nước đến các chương trình giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Thông qua đó, đưa nghệ thuật rối nước giới thiệu đến đông đảo du khách, thậm chí, thông qua truyền thông đại chúng những hình ảnh tươi đẹp về nghệ thuật, con người Việt Nam cũng sẽ được quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ hơn… Có như vậy, nghệ thuật múa rối nước Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mới có cơ hội tồn tại và phát triển bền vững, nghệ nhân lúc đó mới có thể “sống” được với nghề.


Nguồn: Báo LĐTĐ