'Đồng bạc xanh' tăng giá và câu chuyện ứng phó của các nền kinh tế trên thế giới
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và cú sốc lớn do xung đột Nga - Ukraine là những động lực chính đằng sau sức mạnh của đồng USD. Vậy làm thế nào để ứng phó với thực tế đó?
Theo các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trước đà tăng của đồng USD, chính sách ứng phó của các quốc gia nên tập trung vào những yếu tố gây ra biến động tỷ giá và các dấu hiệu gián đoạn của thị trường.
Sức ảnh hưởng của đồng bạc xanh
Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến tháng Mười, đồng USD giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2000. Kể từ đầu năm nay, đồng bạc xanh tăng khoảng 22% so với đồng yen, 13% so với đồng euro và 6% so với các đồng tiền tại thị trường mới nổi. Đà tăng mạnh của đồng USD có tác động khá lớn đến môi trường kinh tế vĩ mô của hầu hết các quốc gia, khi đồng tiền này vẫn “thống trị” hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.
Đối với nhiều quốc gia đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ so với đồng USD đã khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn. Sức ép đặc biệt nặng nề tại các thị trường mới nổi, do sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu.
Sự tăng giá của đồng USD cũng tác động đến bảng cân đối kế toán trên khắp thế giới, khi một nửa trong tổng số các khoản vay xuyên biên giới và trái phiếu quốc tế được tính bằng USD.
Khi lãi suất thế giới tăng, các điều kiện tài chính đối với nhiều quốc gia đã thắt chặt đáng kể. Đà tăng của đồng USD chỉ làm gia tăng thêm gánh nặng, đặc biệt là đối với một số thị trường mới nổi và nhiều quốc gia có thu nhập thấp, mắc nợ lớn.
Việc đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác đã làm tăng chi phí nhập khẩu và thanh toán các khoản nợ được tính bằng USD. Điều này đặc biệt khó khăn đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển vốn đang phải vật lộn với các khoản nợ lớn và nhập khẩu nhiều nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Các nền kinh tế giàu có cũng phải đối mặt với những thách thức khi chi phí nhập khẩu của họ tăng lên. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, gần đây đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen.
Theo Clay Lowery, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ đối mặt với "sự mất cân đối về tiền tệ". Điều này xảy ra khi các chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức tài chính đi vay bằng đồng USD nhưng sau đó lại cho vay bằng đồng nội tệ của họ.
Những rủi ro mà đồng USD mạnh lên gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể tăng nhanh. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có thể cảm thấy rằng, họ phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến để chống lại lạm phát ở chính quốc gia họ và ngăn chặn sự mất giá hơn nữa của đồng nội tệ.
Những nỗ lực kết hợp của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư có thể ngày càng chọn tìm nơi trú ẩn bằng USD, làm tăng giá trị của đồng bạc xanh hơn nữa và có nguy cơ gây bất ổn thị trường nhiều hơn.
Giải pháp ứng phó
Để ứng phó, một số quốc gia đang sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối. Tổng dự trữ ngoại hối tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã giảm hơn 6% trong bảy tháng kể từ đầu năm nay.
Dự trữ ngoại hối được kỳ vọng sẽ được duy trì ở mức nhất định vì các khoản tiền này cũng được sử dụng để trả nợ nước ngoài. Chuyên gia Teppei Ino tại ngân hàng MUFG nói: "Về cơ bản, có một số lượng giới hạn ngoại tệ có thể được sử dụng để can thiệp vào thị trường tiền tệ".
Bà Gita Gopinath và ông Pierre-Olivier Gourinchas, hai nhà kinh tế hàng đầu của IMF, nhận định phản ứng chính sách thích hợp cần tập trung vào các yếu tố gây ra biến động tỷ giá và dấu hiệu gián đoạn của thị trường. Cụ thể, can thiệp ngoại hối không nên thay thế cho việc điều chỉnh có bảo đảm các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính phủ có thể can thiệp trên cơ sở tạm thời khi biến động tỷ giá làm tăng rủi ro ổn định tài chính hoặc phá vỡ khả năng ổn định giá cả của ngân hàng trung ương.
Theo hai nhà kinh tế trên, các nguyên tắc cơ bản về kinh tế là yếu tố chính dẫn đến đà tăng của đồng USD. Để kiềm chế đà tăng phi mã của lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Cú sốc lớn do xung đột Nga - Ukraine là động lực chính thứ hai đằng sau sức mạnh của đồng USD.
Các nhà kinh tế của IMF nhấn mạnh chính sách tài khóa nên được sử dụng để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất mà không gây bất lợi cho các mục tiêu lạm phát. Các biện pháp bổ sung cũng cần thiết để đối phó một số rủi ro trong tương lai. Quan trọng hơn, thị trường tài chính có thể chứng kiến sự xáo trộn lớn hơn nhiều, khi nhà đầu tư mất hứng thú đối với các tài sản tại thị trường mới nổi sẽ khiến dòng vốn lớn chảy ra ngoài.
Theo một dự báo mới từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tăng trưởng toàn cầu về cơ bản sẽ đi ngang trong năm nay khi châu Âu rơi vào suy thoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện tài chính của Mỹ được thắt chặt đáng kể. Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng của năm 2021.
Nguồn: baotintuc.vn