Định vị thương hiệu trong bối cảnh mới

Các DN cần có những tư duy xây dựng thương hiệu đột phá để tạo dấu ấn cho khách hàng.

Thời của thương mại điện tử

Gần một năm chịu sự hoành hành của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã không đứng vững được trên thương trường, buộc phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi đầy tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, DN nào chấp nhận thua cuộc cũng đồng nghĩa với việc DN đó không thể thích ứng với bối cảnh mới.

Nói như bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc tìm ra một xu hướng tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các DN Việt có thể bứt phá trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành một trong những lĩnh vực ưu tiên.

Theo bà Huyền, thương mại điện tử sẽ mở ra những cơ hội mới cho các DN để từ đó có những đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Ở thời điểm hiện tại, khi chịu những tác động của đại dịch Covid-19, các DN cần phải suy nghĩ đến phương thức hoạt động mới - chính là thương mại điện tử - nếu như muốn tiếp tục duy trì và phát triển”, bà Huyền nói.

“Các DN sẽ cần phải sắp xếp đổi mới phương thức thương mại điện tử theo thứ tự ưu tiên, khâu nào nên lựa chọn để phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để ứng dụng thương mại điện tử khi DN đang ở bên cạnh những con hổ lớn sẽ là một thách thức không hề nhỏ”, vị nữ chuyên gia bình luận.

Thời gian qua, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như những tác động của đại dịch Covid-19 đã buộc các DN Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh. Theo đó, những phương pháp giao dịch thương mại truyền thống đã nhường chỗ cho các giao dịch trực tuyến.

Điều này cũng được cả nhà quản lý và cộng đồng DN nhận định về tính đúng đắn, khi cho rằng, khi các hình thức giao thương truyền thống bị hạn chế bởi Covid, việc xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh hiện nay.

Xây dựng thương hiệu không còn theo lối mòn

Nói về chiến lược thương hiệu cho DN trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thị trường đã và đang thay đổi rất nhanh nên các DN cần phải huy động sức mạnh tập thể rất lớn.

Tuy nhiên, các DN Việt Nam hiện nay đa phần là DN vừa và nhỏ, nguồn lực vốn ít, đó chính là điểm yếu của cộng đồng DN. Do đó, để có thể tạo được thương hiệu cho mình, bản thân mỗi DN cần phải có những thay đổi về tư duy, chiến lược trong sản xuất, kinh doanh. Mà yêu cầu đặt ra đầu tiên không phải là câu chuyện về vốn, mà phải là cách thức xây dựng thương hiệu thế nào.

Đưa ra những gợi ý về việc xây dựng thương hiệu, tạo dấu ấn trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Xuân Trường cho rằng, trước kia, người ta thường nhắc thương hiệu của DN như nhắc đến chiếc áo khoác bên ngoài, tức là bộ nhận diện. Nhưng hiện nay tư duy về nhận diện đã thay đổi rất nhiều do yêu cầu của thị trường. Bởi vậy, các DN cần phải linh hoạt hơn.

Ông Trường nêu ví dụ, trên các đường phố Việt Nam thường có rất nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu mà người đi đường thì không bao giờ nhớ được nội dung gì, kể cả khi người ta quyết định dừng lại 1 phút để đọc cũng không thể nhớ được.

Nói như vậy để thấy, cách làm thương hiệu kiểu cũ đã lạc hậu. Bởi vậy, với các DN hiện nay, thay vì dùng nhiều lời, nhiều chữ theo “lối mòn” như trước kia, sẽ sử dụng các yếu tố hình ảnh. “Nhiều DN họ đã áp dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo để có thể chinh phục được rất nhiều khách hàng.

Thay vì việc đọc những thông tin giống như đọc báo, thông tin bằng hình ảnh sẽ tạo nên sự đột phá và chỉ với một đoạn video rất ngắn, DN đã có thể tạo ra những dấu ấn riêng”, ông Trường nói, thậm chí bằng những hình ảnh cụ thể, không chỉ người lớn, mà một đứa trẻ cũng ghi lại trong trí nhớ rất lâu.

Đó là cách thức làm thương hiệu khác biệt với những lối truyền thống. “Các DN cần coi thương hiệu là một vũ khí chứ không chỉ là công cụ, Và chỉ khi sở hữu vũ khí đó, DN mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN và thương hiệu khác”, vị chuyên gia nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết