Để màu cờ Việt Nam phủ rộng hơn trên bản đồ gìn giữ hòa bình thế giới

Không chỉ làm tròn nhiệm vụ mà Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn mang tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước hòa bình, thân thiện, con người có trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng…

Chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình

Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự tham gia của lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Việt Nam tại các phái bộ góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, đồng thời khẳng định đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước; đóng góp tích cực vào thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết thêm, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam kể từ khi ra đời cho tới nay, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tham gia vào một lĩnh vực mới mẻ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, nhất là sự nỗ lực của các cán bộ, sĩ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ đã góp phần mang lại những kết quả tốt đẹp. Đây là hoạt động quân sự, quốc phòng ở xa Tổ quốc, ở những địa bàn phức tạp, khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm, rủi ro đe dọa tính mạng.

Việc lực lượng Gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã triển khai ở cả 2 hình thức cá nhân và đơn vị cho thấy, Việt Nam tham gia ngày càng tích cực, chủ động và ở mức cao trong hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cử 55 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 189 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, trong đó có 3 sĩ quan ứng thi và xuất sắc trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ. Đây là một bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam có sĩ quan làm việc tại trụ sở LHQ, trực tiếp tham gia vào công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động tại các phái bộ.

Tại một cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Việt Nam tại Thái Lan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đánh giá cao trình độ và khả năng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam triển khai tới các phái bộ, cũng như sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình, mong muốn Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung này. Hiện, Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ với 9 quốc gia, LHQ và Liên minh châu Âu.

Đây là những văn bản quan trọng, khẳng định cam kết tiếp tục duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam. Những kết quả trên một lần nữa khẳng định, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực thực hiện những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên LHQ, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Việc tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ và đạt được nhiều thành tích xuất sắc đã nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước và Lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cán bộ, phục vụ nhu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây còn là cơ hội mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự và dân sự, góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện phức tạp, đa dạng, chiến tranh công nghệ cao, ứng phó có hiệu quả các tình huống trong điều kiện chiến tranh hiện đại, thảm họa tự nhiên và các thách thức an ninh phi truyền thống...

Ca cấp cứu hàng không đầu tiên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam ở Nam Sudan

Sớm triển khai đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình cho biết, biên chế của đội công binh có quân số dự kiến hơn 300 người (290 chính thức và 29 dự bị) gồm quân số của Bộ Tư lệnh Công binh và phối thuộc của các đơn vị như: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Tư lệnh Đặc công, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Cục Quân y, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp.

Suốt 4 năm qua, việc huấn luyện được tiến hành theo đúng kế hoạch với các nội dung chuyên ngành rà phá bom mìn, xây dựng, ngoại ngữ... Các khóa huấn luyện trong nước và quốc tế của đội công binh đều nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia quốc tế. Dự kiến sẽ có một vài đợt kiểm tra, khảo sát đánh giá năng lực của đội công binh. Nếu vượt qua các vòng kiểm tra, đội công binh sẽ thực hiện nhiệm vụ vào cuối năm nay. Hiện việc chọn địa bàn triển khai đang được đàm phán.

Trong đó, nhiều khả năng đội công binh sẽ thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi. Nhiệm vụ cụ thể của đội công binh là xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng, xây dựng nhà cao tầng… Đội cũng có nhiệm vụ rà phá bom mìn tại khu vực tiến hành xây dựng, dựa trên năng lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đối phó với thiên tai, lũ lụt...

Đặc biệt, Cục Gìn giữ hòa bình đã tuyển chọn những quân nhân có năng lực rất cao từ Bộ tư lệnh Đặc công vào đội hình. Các phân đội thuộc Binh chủng Đặc công sẽ huấn luyện, sử dụng các trang bị hỗ trợ chống bạo động, các phương tiện hỗ trợ (quân sự), khai thác sử dụng các loại vũ khí, trang bị dùng cho nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình LHQ, các đội hình cơ bản, giải tán đám đông, chống gây rối bạo loạn… Họ sẽ bảo vệ an toàn cho các đồng đội của mình cũng như bảo vệ các công trình mà Việt Nam sẽ xây dựng ở Phái bộ LHQ.

Việc xây dựng Bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh gìn giữ hòa bình… nhằm thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ. Đồng thời, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, đây cũng là lực lượng sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn, giải quyết các thách thức phi truyền thống như thiên tai, thảm họa (động đất, sóng thần...), xử lý tàn tích bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (dioxin)...

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng thông tin thêm, không dừng lại ở việc cử các sĩ quan, các đơn vị tham gia Gìn giữ hòa bình tại các phái bộ, Việt Nam đã đề xuất thành thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trung tâm nếu được thành lập, sẽ huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các lực lượng như công binh, quân y, ngoại ngữ, pháp luật… Việt Nam đưa ra đề xuất này từ gợi ý của LHQ.

Chúng ta tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình muộn so với nhiều nước, nhưng được các quốc gia liên quan và LHQ đánh giá là đạt kết quả xuất sắc. Đây là minh chứng rõ ràng về năng lực huấn luyện, chuẩn bị lực lượng của Việt Nam. Đề xuất thành lập trung tâm bước đầu một số quốc gia đối tác rất hào hứng ủng hộ.

Hiện nay, Cục Gìn gìn hòa bình Việt Nam có một Trung tâm huấn luyện đào tạo lực lượng trong nước đi làm nhiệm vụ “mũ nồi xanh”. Trên những kết quả, kinh nghiệm trong việc đào tạo đã có, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang xây dựng lịch trình, giáo án, chương trình huấn luyện chuẩn, hiệu quả, phù hợp với tiêu chí của LHQ.

Nguồn ANTĐ