Đạo diễn bật mí về cái kết của 'Về nhà đi con'

“Về nhà đi con” có thời lượng 25 phút/một tập phim, đây cũng là khung thời lượng lần đầu tiên VFC triển khai sản xuất. Là đạo diễn của bộ phim mở màn cho khung giờ đó, anh đã cân nhắc những gì để thu hút khán giả?

Quan điểm của chúng tôi là phải đặt khán giả lên trên hết. Phim chỉ 25 phút, chúng tôi phải tính toán trong thời gian đó họ có gì để xem. Vì thế, tất cả những phân cảnh dẫn giải đều bỏ đi chỉ tập trung trực tiếp đi vào câu chuyện. Những tình huống như đi ra đi vào, ngồi trầm ngâm… rất ít, phải thực sự phục vụ tính chuyện thì chúng tôi mới sử dụng. “Về nhà đi con” được quay bằng ba máy, có cảnh tâm lí phải đẩy lên 4 máy và quay một lần để tận dụng tối đa điểm rơi cảm xúc của diễn viên.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và NSUT Trung Anh.

Ngoài việc cân đối hàm lượng thông tin thì cách dựng phim cũng đòi hỏi phải khác?

Đây là bộ phim có hai đạo diễn, tôi làm tiền kì còn Nguyễn Đức Hiếu làm hậu kì. Chúng tôi đã cùng nhau trao đổi và thống nhất để có cách làm phù hợp với câu chuyện và thời lượng bộ phim. Khâu hậu kì là một công đoạn sáng tạo quan trọng của mỗi bộ phim dựa trên những chất liệu mà đoàn làm phim quay được. Người dựng phim đòi hỏi phải tính toan để có mạch chuyện tốt, tiết tấu tốt và có đột biến trong câu chuyện. Tiết tấu, diễn biến câu chuyện phải nhanh, lượng thông tin chuyển đến cho khán giả phải liên tục, nối tiếp nhau. Nhân vật này ít đi thì nhân vật khác phải có nhiều đất diễn, có từng lớp thông tin cho khán giả tò mò.

Kịch bản nội, e kip nội, đề tài câu chuyện quen thuộc, không mới vậy sức hút của bộ phim “Về nhà đi con” có khiến anh bất ngờ không?

Bất ngờ thì có nhưng chúng tôi cũng có những dự liệu riêng. “Về nhà đi con” là một bộ phim mang lại sự ấm áp, lôi cuốn được khán giả. Bộ phim phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, nội dung phim có sự gần gũi với nhiều lứa tuổi khác nhau. Khán giả sinh ở thập niên 70, 80 sẽ nhìn mẫu người của Huệ- dáng dấp của một người chị cả đáng yêu, vị tha, hi sinh, lứa tuổi khán giả 19, 20 sẽ nhìn Hân – một đứa con phần nào ngỗ ngược nhưng sâu thẳm tràn đầy tình yêu thương hết mực dành cho người cha, cho gia đình và bóng dáng người cha ở ông Sơn là hình ảnh mà lâu rồi phim truyền hình không đề cập đến.

Bên cạnh đó, đây là bộ phim được đầu tư kĩ càng, cẩn thận, dàn diễn viên chuyên nghiệp, yêu nghề, cùng tương tác sáng tạo đẩy nhân vật của mình lên.

Anh có vẻ hơi khiêm tốn trước sự thành công của bộ phim?

Thực tế, có những bộ phim tốt nhưng sức hút khán giả không tốt, đó là do thời điểm khán giả. “Về nhà đi con” cho đến thời điểm này tạm cho là thành công, tôi nghĩ một phần lớn do phát sóng đúng thời điểm. Đây là lúc giá trị gia đình rất cần thiết. Mỗi người về nhà đều cầm một cái máy tính, điện thoại, mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Bộ phim với đề tài gần gũi, quen thuộc, cách kể phù hợp nên trở thành sợi dây liên kết các thế hệ trong gia đình. Nếu phát sóng 10 năm trước, chắc chắn phim ít khán giả vì lúc đó khán giả đang cần cái gì đó kịch tính, giật gân, bất bình thường.

"Về nhà đi con" càng về cuối càng kịch tính.

Biên kịch Nguyễn Thủy chia sẻ rằng, so với kịch bản hoàn thiện, có những sáng tạo trên phim trường khiến nhóm biên kịch rất xúc động?

Sáng tạo nào cũng phải dựa trên nền tảng là kịch bản do nhóm biên kịch viết. Cái mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là khán giả, làm sao khán giả thấy được tính chân thật, gần gũi, họ thấy bóng dáng của mình và người thân trong bộ phim “Về nhà đi con”. Sự đồng cảm và hiệu ứng đón nhận của khán giả cũng giúp chúng tôi có cảm hứng sáng tạo đầy thăng hoa trên phim trường. Ngoài ra là thay đổi thời điểm nói câu thoại để nó xuất hiện đúng chỗ, đúng thời điểm, hoàn cảnh.

Hoặc một số phân đoạn khi đặt vào nhân vật, bối cảnh thực tế không phù hợp với kết cấu và thời lượng của tập phim 25 phút thì chúng tôi tính toán bỏ bớt và bù phân đoạn mới. Lúc này, đạo diễn, DOP, quay phim đặc biệt là diễn viên cùng nhau sáng tạo. “Về nhà đi con” có nhiều phân đoạn không có trong kịch bản. Ví dụ như tuyến Uyên, vợ Thành trong kịch bản là một nhân vật khá mờ nhạt. Khi casting, tôi rất ấn tượng diễn viên Hoàng Kim Ngọc, một người thông minh, vốn là thủ khoa trường Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Cô ấy cũng tha thiết đưa ra những đề xuất cho nhân vật Uyên chỉn chu, hay hơn. Chúng tôi đã trao đổi, tìm ra những phương án diễn xuất, những câu thoại để nhân vật Uyên vừa hiện đại, vừa đẹp, với những ứng xử văn minh, nhưng cũng rất đàn bà. Và khi quay xong tôi biết Uyên sẽ gây được ấn tượng với khán giả, nó rõ ràng hơn, mạch lạc hơn, đầy đặn hơn.

Thường những bộ phim hot thì cái kết phim hoặc quay mấy phương án hoặc dò ý khán giả để mang đến cái kết phù hợp. “Về nhà đi con”đã đóng máy, đạo diễn có thể tiết lộ đôi chút về cái kết của phim?

Phim sẽ dài 85 tập, đến cuối tháng 8 mới kết thúc. Cái kết phim luôn là vấn đề nan giải, đau đầu với chúng tôi, nhất là “Về nhà đi con” vừa làm vừa phát sóng, luôn có nhiều ý kiến trái chiều của khán giả. Chúng tôi tự tin quyết định chỉ quay một cái kết duy nhất mà chúng tôi cho rằng đúng nhất. Đó là một cái kết đúng như tiêu chí ban đầu của phim: sự gần gũi, ấm áp, có yếu tố đoàn viên.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

"Về nhà đi con" sẽ có cái kết đoàn viên.


Nguồn: Báo Tiền Phong