Đăng ký sơ tuyển vào trường quân đội phải làm 2 bộ hồ sơ riêng biệt

Chỉ xét tuyển nguyện vọng 1

Với những thí sinh là thanh niên ngoài quân đội, đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện (quận, thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh thành phố trực thuộc trung ương), nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (gọi chung là Ban TSQS cấp huyện).

Những thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (gọi chung là Ban TSQS cấp trung đoàn).

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển bởi các trường Quân đội và trường Công an đều chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội (thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT).

Thí sinh chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào 1 trong 2 khối trường (thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sổ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng).

Thí sinh dự thi vào các trường quân đội. Ảnh minh họa.

Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển bằng một loại mực (xanh hoặc đen) và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại Ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc tại Ban TSQS cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ).

Do môi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1.

Trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ 2 hồ sơ sơ tuyển trở lên, sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự của các trường trong quân đội).

Trong hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, các thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng cần nộp 1 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ. Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).

Mỗi thí sinh nộp 4 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm, ảnh chụp thẳng (kiểu chứng minh nhân dân), trên nền phông màu xanh hoặc vàng, ảnh phải rõ, cùng kiểu, cùng loại, chưa qua xử lý bằng các phần mềm xử lý ảnh và mới chụp trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự tuyển.

Các tiêu chuẩn sức khỏe

Theo quy định liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng, việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự theo các chỉ tiêu: Thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng); mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai-mũi-họng; răng-hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa đối với nữ (nếu có).

Còn một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng, như sau:

- Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa yêu cầu thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên. Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.

- Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân; Hệ đào tạo cao đẳng quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân và Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ôtô yêu cầu thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên.

Những trường này tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt Điểm 1 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

Đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh (cả nam và nữ) là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, những thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62m trở lên.

Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người (gồm các dân tộc: Cổng, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ở Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) dự tuyển vào tất cả các trường phải có chiều cao từ 1,60 m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.

Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung: Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.

2 đợt khám sức khỏe sơ tuyển

Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt: Đợt 1 vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3 năm 2020. Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4 năm 2020. Thời gian cụ thể do Ban TSQS các đơn vị, địa phương bố trí.

Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25-4-2020), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.

Lệ phí sơ tuyển đối với thí sinh đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp quân sự là 50.000 đồng/hồ sơ, hồ sơ sơ tuyển giá 4.500đồng/hồ sơ.

Năm 2020, việc đăng ký tham dự Kỳ thi THPT quốc gia do Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức thu hồ sơ và tổ chức thi, vì vậy Ban TSQS các đơn vị, địa phương không thu phí đăng ký dự thi và phí dự thi Kỳ thi THPT quốc gia.

Thời gian sơ tuyển: Từ ngày 1-3-2020 đến ngày 25-4-2020.


Nguồn: Báo QĐND