Sen xuất sang Nhật thu hoạch 135 ngày sau trồng, kích cỡ 4-6 cm. Sau khi sơ chế củ được cắt lát đường kính 4-6 cm, cấp đông ở nhiệt độ -25 độ bằng công nghệ IQF. Lô hàng 15 tấn có giá trị khoảng một tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, cho biết loại này trồng ở miền Tây có thể trồng quanh năm, năng suất từ 5-7 tấn một vụ (4 tháng). Theo Hiệp hội này, miền Tây có khoảng 3.000 ha trồng sen song đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.
"Lợi thế của sen Việt Nam có thể trồng quanh năm trong khi tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc chỉ trồng được một vụ vào mùa hè", ông Thắng nói và cho biết thị trường Nhật cần khoảng 100.000 tấn củ sen mỗi năm, trong khi Trung Quốc là hai triệu tấn.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc nhà máy Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt - đơn vị xuất khẩu lô củ sen - cho biết để xuất khẩu chính thức sang Nhật, doanh nghiệp có hai năm đàm phán, nhiều lần gửi hàng mẫu.
"Thị trường Nhật rất khó tính, họ yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy", ông Thiện cho biết. Riêng công nghệ cấp đông IQF, thực phẩm có thể bảo quản trong hai năm, giữ được màu tự nhiên, không phá vỡ liên kết. Trung bình một tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước. Dự kiến trong năm nay, đối tác Nhật sẽ nhập thêm 8 container, giá trị khoảng 7 tỷ đồng.
Đồng Tháp hiện trồng 1.800 ha sen, năng suất 5-7 tấn một ha. Sen lấy củ trồng theo quy trình được bao tiêu với giá 20.000 đồng một kg, ước tính mỗi vụ nông dân lãi 40-45 triệu đồng một ha.
Nguồn: vnexpress