Có một 'người rừng' trong thành phố

Đà Nẵng có một cây cầu tuyệt đẹp nhưng luôn vắng bóng người: Cầu Nguyễn Văn Trỗi. Là cây cầu sắt có từ thời Pháp thuộc, nay được lưu giữ như hình bóng lịch sử đã đi qua thành phố. Trên cầu, thường vào chiều tối vẳng tiếng cười đùa, tiếng đàn hát của những nhóm bạn trẻ. Nhưng hầu như không ai biết dưới gầm cầu có một chàng trai 19 tuổi hiền lành đang gắng gỏi từng ngày bám trụ đặt niềm tin yêu vào đời sống…

Clau Nghiệp - cái tên như nói lên số phận của cậu. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Nam Giang - Quảng Nam, cậu bỏ nhà "đi bụi" từ năm 15 tuổi không chứng minh nhân dân, không một giấy tờ tùy thân, lang thang từ Sài Gòn rồi vào Gia Lai làm đủ nghề, sau đó dưới gầm cầu Nguyễn Văn Trỗi là nơi cậu sống khi đến Đà Nẵng. Tôi gặp Clau Nghiệp lần đầu vào tháng 4 năm 2021.

Trước đây Nghiệp từng được đưa vô trong trại trẻ dành cho trẻ em đường phố nhưng cậu bé Cơ Tu không thể thích nghi với cuộc sống gò bó trong đó nên đã trốn ra ngoài để lang thang. Ở đây cậu gặp Hải “Điên”, một người lang thang giống cậu. Theo lời cậu kể ông thường cáu gắt khi có ai đó đi xuống gầm cầu chỗ sống của hai người. Một người điên, một đứa trẻ lang thang, hai mảnh đời tựa vào nhau mà sống. Một thời gian sau ông Hải "mất tích", để lại thằng Nghiệp bơ vơ dưới cây cầu này. “Có lẽ ông bị người ta bắt vào nhà thương điên", Nghiệp kể.

Khi con người sống dưới đáy xã hội thế này, tiền không phải là tất cả. Thứ kéo con người đứng dậy có lẽ là niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp hơn, đức tin vào những thứ tốt đẹp trong tim. Những điều đó dắt ta qua cạm bẫy cuộc sống. “Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn” - đó là câu mà tôi dành cho Nghiệp sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện. Không rượu bia, không thuốc lá, không một chất kích thích hay tệ nạn nào. Đôi khi có nhiều người mời cậu chơi "cỏ' nhưng cậu từ chối bởi lẽ cậu thực sự không muốn dính dáng đến những thứ trụy lạc vô bổ.

Khi hoàng hôn buông xuống, Nghiệp lại ra ngoài ngủ bởi lẽ cậu không thể chịu được âm thanh từ tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười nói từ phía trên cầu. Rời khỏi "căn nhà" nhỏ bé tới nơi khác ngủ, đến tầm 12h đêm khi các cuộc nhậu trên cầu tan xong, Nghiệp lên đó bới tìm những vỏ lon, chai nhựa… Rồi lang thang tới các con hẻm trong thành phố kiếm đồ phế liệu, ve chai. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cậu để qua ngày. ‘Đang kiếm 20-30 ngàn ngày tự dưng có thêm 2,3 người đến nhặt lon, thế là cuộc sống càng khó khăn hơn”, Nghiệp kể.

‘Tết, em lượm được mấy chục vỏ lon, nhưng tết họ có mua lon đâu, nên em thường hay tới miếu lấy trái cây ăn. Hôm mùng Một tết năm nay em xuống cái miếu kia tưởng có trái cây ai ngờ có 600 ngàn, nên em lấy thôi”, Nghiệp hồn nhiên cười. Niềm vui đứa trẻ nhặt được tiền ánh lên đôi mắt của cậu.

Bữa ăn cậu không thể đầy đủ ngày 3 bữa như những người đồng lứa. Đôi khi là chiếc bánh mì, có lúc hết tiền thì những món ăn dư được người khác để lại, đôi khi đi nhặt trái cây. Những thứ này đủ để cậu sống qua ngày. Mùa dịch không kiếm được việc chỉ có thể nhặt ve chai nhưng cũng chưa thể qua bữa, có lúc đói, chưa bao giờ là no.

"Những lúc bí quá không có gì ăn em mới mò thùng rác”. Tôi lặng người bởi lẽ cuộc sống giới trẻ hiện nay, mấy bạn trẻ ấy chắc ít khi nghĩ đến cuộc sống mưu sinh của những người như Clau Nghiệp.

Tôi chần chừ hỏi về gia đình của em, đấng sinh thành hiện ở đâu, liệu khi biết con trai mình lưu lạc nơi đất khách quê người thế này họ cảm giác như thế nào. Đáp lại tôi là một câu chuyện từ Nghiệp

‘Bố mẹ em bỏ nhau từ lúc em mới 1, 2 tuổi gì đó. Bố cũng không quan tâm tới em mấy đâu, mỗi lần gặp ổng còn đánh em. Hồi nhỏ ổng đánh em nhiều có khi còn ném em ra đường nữa, lúc đó mẹ em tưởng em chết luôn rồi nhưng chắc do mình may mắn số lớn mạng lớn. Đã không nuôi mình còn đánh mình. Chỉ có mẹ đánh thì em không bao giờ nói lại. Nhà có 3 anh em, giờ nhà em có thêm 1 đứa em trai nữa. Hồi trước có 2 đứa em cùng mẹ khác cha, giờ thêm 1 đứa em trai em chưa gặp, mẹ em có 3 đời chồng. Mẹ từng bảo em về quê ở Nam Giang làm rẫy chung với mẹ, nhưng em nói không về, đợi khi nào kiếm được nhiều tiền rồi em về".

- Kiếm được nhiều tiền là bao nhiêu?

- 10 triệu.

- Rồi về đó Nghiệp sẽ làm gì với 10 triệu.

- Anh không biết chứ 10 triệu em mở quán nước lắp thêm cục wifi cho anh em chơi game ở quê em muốn chơi net phải chạy lên thị trấn xa lắm.

Đối với một đứa bé bữa đói, bữa no thì 10 triệu cũng đã xây đủ cái ước mơ nuôi giữ dưới gầm cầu.

Hằng đêm ánh điện cứ dát vào mắt cậu bé dệt lên những giấc mơ đẹp những điều tuyệt vời về tương lai, về niềm tin trong cuộc sống.

Mọi thứ dưới gầm cầu đều được Clau Nghiệp nhặt về từ đủ nơi, có khi trên cầu, trên đường,… Có nhiều hôm tôi đang ngồi nói chuyện với cậu thì bỗng thấy rác từ trên cầu vứt xuống ngay bên cạnh. Lâu dần nếu cậu không dọn bớt có lẽ nơi đây cũng thành một bãi rác! Do ý thức thôi vì cách nơi họ vứt rác không xa cũng có hẳn một cái thùng rác. Có những thứ người khác vứt đi nhưng với cậu trở nên hữu dụng, để trang trí cái gầm cầu đơn điệu này. Mọi thứ ở đây đều được cậu nhặt về từ đủ nơi, rồi sắp xếp ngăn nắp. Thanh ngang cầu trở thành cái tủ chứa đồ lúc nào không hay.

Khả năng chế tạo và sáng tạo của Nghiệp rất đặc biệt. Từ những thứ vô tri là miếng xốp, chiếc động cơ, viên pin, và cái ruột bút cậu đã biến nó thành một cái máy xăm hình. Trên tay cậu chi chít hình xăm, chả phải rồng rắn gì cho giống giang hồ, mà chỉ là những câu chữ, những kí ức tuổi thơ.

‘Chữ Tom này là vì hồi xưa em hay coi Tom và Jerry nhiều, DMM hay nói là đi mua mì, còn cái này em ghi nhầm. "Tôi yêu Việt Nam" mà ghi nhầm thành "Tôi Tên Việt". Còn đây là ngày tháng năm sinh của em…". Tôi đọc thấy dòng con số 27-3-2002.

Niềm vui chả được bao lâu, người ta không cho cậu ở đó nữa, họ kêu cậu chuyển đi. Khi tôi tới không còn thấy màn gối đồ đạc đâu nữa, phải rất lâu sau mới liên lạc được qua facebook tôi biết cậu đã dọn xuống ven sông gần đó. Đường đi xuống thì nguy hiểm. Lần này "mái nhà" cậu là bụi cây um tùm, nền nhà là những tảng đá. Chỗ này chỉ có ánh đèn hiu hắt từ thành phố phía xa hắt vào mới thấy được rõ màn trời chiếu đất. Nằm sát bờ sông nên mỗi khi nước dâng cao là tới tận chỗ nằm của Nghiệp. Tôi chỉ sợ những con rắn lạc vào đây rồi đêm hôm tắt đèn cũng không có hàng xóm gì thì biết những gì sẽ xảy ra…

Rồi cậu cũng kiếm được quán nhậu tuyển người không cần giấy tờ, quán lo ăn, lo ngủ. Tưởng đâu những trang sách về Nghiệp sẽ bước sang ngã rẽ mới. Nhưng cuộc đời quả biết cách trêu người, việc làm được 1 tháng thì dịch lại về Đà Nẵng kể từ đợt 27/4 tới nay. Quán phải đóng cửa. Cậu được ở lại canh quán. Một thời gian sau, đến giãn cách xã hội, tôi không còn nghe thông tin gì về cậu. Giãn cách cứ thế trôi qua tôi quay lại thì cậu không còn ở đó nữa. Clau Nghiệp 19 tuổi, tiếp tục hành trình mưu sinh của mình, không ai biết cậu giờ ở đâu, làm gì…

Chàng trai "người rừng" hoang dã ấy lại hòa vào dòng người cứ thế đi qua mùa dịch đi xa mãi trong câu chuyện của tôi…

Nguồn: http://tienphong.vn/co-mot-nguoi-rung-trong-thanh-pho-post1394650.tpo