Chết dở với giấy đi đường

Mẫu giấy đi đường tại TPHCM thay đổi liên tục cùng quy trình thủ công mất thời gian chờ đợi và số lượng giấy được cấp nhỏ giọt đã gây khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa khiến doanh nghiệp (DN) “chết dở”.

Hoang mang

Ngày 26/8, dù đã là ngày thứ 2 TPHCM áp dụng mẫu giấy đi đường mới, nhưng nhiều DN vẫn chưa thể xin được giấy khiến hàng hóa nằm kho. Lo sợ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất và chậm trễ giao hàng, cả trăm lượt DN chầu chực trước Sở Công Thương TP để xin cấp giấy đi đường.

Ông L.X - đại diện một DN xuất nhập khẩu cao su tại TPHCM cho biết, dù đã nộp hồ sơ khá sớm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy đi đường nên nhân viên không thể đến hải quan làm thủ tục xuất hàng. “Ngày 23/8, Sở Công Thương TP cấp giấy đi đường cho DN, chúng tôi đang chờ đến lượt thì “đùng một cái”, ngày 25/8, cơ quan chức năng cho biết, giấy phải do Công an TP cấp. Vậy là DN phải đăng ký lại từ đầu và không biết bao giờ mới có” - ông X. nói.

Theo ông X., trước khi xuất hàng, công ty phải liên hệ trực tiếp với cơ quan Kiểm dịch khu vực 2 để nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật. Sau đó sẽ chuyển hàng đến cảng, lấy mẫu kiểm dịch tại cảng. Cuối cùng làm thủ tục hải quan để xuất hàng đi. Tuy nhiên, do không có giấy đi đường nên công ty xuất nhập khẩu gần như bị “cột tay”, mọi việc tạm hoãn hết. “Việc chậm trễ xuất hàng không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, mà còn phát sinh chi phí lưu bãi, lưu container. Đặc biệt, nếu trễ hợp đồng còn phải bồi thường, mất đơn hàng nguy cơ DN phá sản rất lớn” - ông X. lo lắng.

Ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, ngày 24/8, Sở Công Thương TP có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện địa phương xem xét cấp giấy đi đường cho DN là các đối tượng thuộc nhóm “nhân viên các ngành phục vụ sản xuất”, còn Sở này chỉ cấp giấy đi đường cho các DN chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, khi DN chuyển hồ sơ về địa phương thì không được hỗ trợ.

Sau đó, DN nhận được thông tin Thành phố đồng ý giao cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) làm đầu mối cấp giấy đi đường cho đối tượng là người lao động của các DN “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp-khu chế xuất thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tài chính. “Tuy nhiên, mỗi DN chỉ được cấp 1 giấy đi đường cho một người và chỉ sử dụng trên tuyến đường từ DN đến nơi giao dịch. Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các DN, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ” - ông Toàn phản ánh.

Ông Phạm Thanh Tùng, đại diện một nhóm các DN cung ứng thuốc, vật tư y tế trên địa bàn TPHCM, cho biết đang khốn đốn vì không biết làm cách nào có giấy đi đường để giao nhận hàng cho các nhà thuốc, bệnh viện và nhân viên có thể đi làm. “Thật sự chúng tôi rất hoang mang vì không biết giấy sẽ được cấp như thế nào” - ông Tùng bày tỏ.

Cắt giảm khoảng 60 nghìn hồ sơ

Phản ánh với báo Tiền Phong, bà Lý Thanh Phong - Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú) cho biết, công ty vô cùng khó khăn khi không thể mua nguyên vật liệu, không thể giao hàng vì chưa được cấp giấy đi đường. Theo bà Phong, do không có chính sách rõ ràng cho thủ tục vận chuyển của các doanh nghiệp và dịch vụ vận chuyển, nên các công ty “3 tại chỗ” cứ đinh ninh vẫn có thể thu mua và giao nhận hàng hoá để phục vụ cho việc sản xuất. Thế nhưng đến nay, các nhà cung cấp đều không thể giao hàng được vì bị chặn ở các chốt và lực lượng chức năng yêu cầu các giấy tờ phải được cấp từ Sở Giao thông vận tải TP, các chứng từ của doanh nghiệp dùng trong tháng qua không còn hiệu lực. Ngay cả gọi xe dịch vụ cũng bị từ chối vì khó khăn về giấy đi đường…

Mới đây, đồng loạt các hiệp hội ngành hàng gồm thủy sản, gỗ, cao su, hồ tiêu, rau quả, cà phê ca cao, nhựa... có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TPHCM... kiến nghị về việc cấp giấy đi đường cho DN, hội viên trong thời gian giãn cách xã hội tại TPHCM.

Theo Sở Công Thương hướng dẫn, Sở chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các DN chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (DN cung cấp dịch vụ logistics), còn UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường cho DN sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo quy định mới, từ ngày 25/8, tất cả giấy đi đường phải do cơ quan Công an TPHCM cấp. “Sở Công Thương phải cấp lại các giấy này theo phom mẫu của cơ quan công an, do đó phải giải quyết hồ sơ lại từ đầu. Tổng cộng, Sở nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường của DN gửi về nhưng chỉ nhận được 40.000 phom mẫu của cơ quan Công an TP nên buộc phải cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ” - đại diện Sở Công Thương cho hay.

Nguồn Tienphong