Cần Thơ: Bay bổng điệu hò và hát ru ở 'Đậm đà giai điệu tình quê'

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Ngày hội Du lịch – Hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ” lần thứ IV năm 2020, tối nay 28/11, tại bến Ninh Kiều, Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ tổ chức chương trình nghệ thuật Hò và Hát ru, với chủ đề “Đậm đà giai điệu tình quê”.

Theo sử sách và các nhà nghiên cứu, từ hàng trăm năm trước, điệu hò và hát ru của người Việt đã ra đời, theo chân người khẩn hoang, góp phần làm món ăn tinh thần, bổ dưỡng và trở thành nét đẹp trong văn hóa trên vùng đất phương Nam.

Đến với đêm nghệ thuật, du khách và người dân địa phương đã cùng bước vào không gian Hò Cần Thơ (còn gọi là Hò sông Hậu), với các thể điệu: Hò Mái dài, Hò Huê tình, Hò Cấy và Hò Cấy đối đáp. Các thể điệu này được thể hiện qua các nội dung: kết bạn, giao duyên, trêu ghẹo. Tiếng hò trầm bổng, nhặt khoan, khi thi êm dịu, trữ tình, rồi lại thở than; có lúc lại tươi vui, rộn rã… đã làm người xem thấy thú vị và khơi gợi lại nhiều ký ức.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng thì đây là lần đầu tiên sân khấu Cần Thơ có buổi trình diễn Hò và Hát ru. Đây là hoạt động thiết thực đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian, sau khi Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân biểu diễn hết mình nhằm giới thiệu đến mọi người loại hình nghệ thuật dân tộc.

"Qua chương trình này, anh em những người yêu văn hóa dân gian dân tộc đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng bảo tồn, để làm sao tiếng hát ru con, điệu hò trên sông nước còn mãi mãi. Bởi xuất phát từ tình hình bây giờ những bà mẹ trẻ không còn biết ru con, trên sông nước không còn tiếng hò, trên đồng ruộng không còn tiếng hò Cấy; chúng ta vừa nhờ chương trình giới thiệu và cùng nghĩ ra cách nào đó để bảo tồn", nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết.

Tiết mục "Đất nước lời ru" mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

3 không gian được dàn dựng công phu là: không gian Hò; không gian Hát ru và không gian Hò giả ru; cùng sự biểu diễn nhiệt thành của các nghệ nhân, chương trình Nghệ thuật Hò và Hát ru thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Bạn Nguyễn Thị Hồng Diễm, du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng, tham dự Chương trình nghệ thuật chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được nghe Hò trên sân khấu, tôi thấy rất vui và thú vị. Tôi hy vọng những năm sau sẽ có những hoạt động như thế này để mọi người có nơi vui chơi, giải trí, nhất là sẽ có thêm nhiều đêm văn nghệ về Hò, về mảng văn hóa dân tộc để lan tỏa đến những người trẻ thông điệp hết sức ý nghĩa như thế này".


Nguồn: Báo Văn Hiến