Cân nhắc thứ tự nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào lớp 10

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022- 2023 của TP Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 18-19/6 với 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong giai đoạn nước rút này, phụ huynh và học sinh đều đang tất bật chạy đua với thời gian để ôn luyện với mong muốn có thể đạt được kết quả cao nhất.

Nhiều giáo viên cho rằng, ngoài chiến lược ôn thi, mỗi thí sinh cần cân nhắc kỹ thứ tự nguyện vọng, khu vực tuyển sinh để tăng cơ hội đỗ vào ngôi trường mong muốn.

Năm học 2021-2022, dự kiến toàn TP Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021). Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề. Với tỷ lệ khoảng 60% học sinh THCS có suất vào lớp 10 THPT công lập nên cuộc đua năm nào cũng quyết liệt. Để có thể giành suất vào lớp 10, rất nhiều học sinh lớp 9 không chỉ tham gia học chính ở trên trường theo thời khóa biểu hàng ngày mà còn tham gia các lớp học thêm với lịch học rất dày, cường độ học tập căng thẳng.

Năm 2022, khoảng 60% học sinh THCS của Hà Nội có suất vào lớp 10 THPT công lập. Ảnh minh họa

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Học sinh phải sắp xếp các NV này theo thứ tự ưu tiên: NV1, NV2 và NV3. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, trong số 3 NV này, NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký. Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3.

Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển (ĐXT) cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu rõ, những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú... được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: NV1 và NV2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, NV còn lại (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh có nguyện vọng này cần có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh (theo mẫu của Sở GD&ĐT), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được thủ trưởng cơ sở giáo dục xác nhận. Thời hạn ngày 13/5, học sinh nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 tại trường THCS nơi học sinh đang học lớp 9. Ngày 23/5, học sinh xem danh sách dự tuyển tại trường THCS, kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân, nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên... Nếu sai sót, đề nghị nhà trường sửa chữa kịp thời. Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT công lập vào ngày 31/5. Ngày 13/6, học sinh sẽ nhận phiếu báo dự thi vào lớp 10.

Cô Lê Hoài Thu, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, theo quy chế tuyển sinh mà Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành, mỗi học sinh được lựa chọn 3 nguyện vọng; trong đó điểm trúng tuyển của NV2 phải cao hơn tối thiểu 1 điểm so với NV1; NV3 thì phải có điểm xét tuyển cao hơn 2 điểm so với NV1.

Do đó, để tăng cao khả năng trúng tuyển vào lớp 10 công lập, khi đăng ký các nguyện vọng, học sinh và phụ huynh nên chọn các trường có cách biệt xa nhau về điểm trúng tuyển của năm học trước. “Các em cần ưu tiên cho NV1 và NV1 nên là một lựa chọn an toàn”, cô Thu chia sẻ.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cũng khuyên thí sinh nên tìm hiểu về trường mình dự định thi như: Chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hàng năm và đối chiếu năng lực bản thân để có những tính toán phù hợp cho việc đăng ký dự thi. Ngoài ra, học sinh và phụ huynh cũng nên xin ý kiến đánh giá, nhận định của thầy cô giáo giảng dạy các môn để biết được năng lực của học sinh ở mức độ nào trước khi đăng ký vào các trường THPT công lập. Cũng theo thầy Cường, học sinh nên đăng ký theo đúng quy định về khu vực tuyển sinh, phân bố nguyện vọng theo 3 mức để an toàn. Chẳng hạn trường NV1, NV2 nên cách xa về điểm chuẩn an toàn từ 3-5 điểm trở lên, trường NV3 nên là một trường có thể cùng hoặc không cùng khu vực nhưng điểm chuẩn ở mức không cao, thậm chí thấp.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/can-nhac-thu-tu-nguyen-vong-de-tang-co-hoi-trung-tuyen-vao-lop-10-i650975/