'Cầm Nam ta gảy khúc Nam thôi'

Hình ảnh trong đoạn phim "Thịnh Đường Huyễn Dạ" được cho là sử dụng nhã nhạc cung đình Huế.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng, năm 1437, Lê Thái Tổ sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng quan Lổ bộ ty giám Lương Đăng làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa, Nguyễn Trãi dâng biểu tâu rằng: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thờ bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ nhạc. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng, hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó giữ được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Thiết nghĩ, những lời gan ruột của người được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là giữ gìn cái “cội gốc” của âm nhạc!

Cũng nhờ những đóng góp quan trọng của Nguyễn Trãi mà Lễ nhạc thời Lê được coi trọng xây dựng hoàn thiện, âm nhạc cung đình phát triển rực rỡ. Và, cũng từ đó mà sau này, kế thừa di sản quý báu đó, Nhã nhạc cung đình Huế đã trở thành báu vật quốc gia, là di sản văn hóa của thế giới.

Thế mà, cái di sản quý giá đó, ngày nay lại bị đánh cắp công khai, sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế vào bộ phim cổ trang diễn cảnh sinh hoạt của cung đình nước họ. Hành vi này của những người làm phim Trung Quốc khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Chỉ một bài báo đưa tin về sự ngừng chiếu phim này trên VTV mà tạo ra một hiệu ứng xã hội, vừa lên án hành động phi đạo lý này, vừa kêu gọi có những biện pháp khẩn cấp giữ gìn và bảo vệ các di sản truyền thống của dân tộc khỏi bị đánh cắp.

Không thể coi là chuyện bình thường khi sử dụng nhạc nước ngoài vào phim nước mình vì đây là di sản văn hóa của Việt Nam nhưng đã trở thành di sản văn hóa thế giới phải được tuyệt đối tôn trọng và nghiêm ngặt bảo vệ.

Vấn đề này lại một lần nữa dấy lên trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa mà ở đây là trách nhiệm của những người duyệt phim, có lẽ nào lại để một bộ phim ăn cắp di sản văn hóa của nước mình lại được công chiếu trên sóng truyền hình để công chúng nước mình xem và gây ngộ nhận. Chủ quyền văn hóa cũng quan trọng như chủ quyền quốc gia, lãnh thổ và lãnh hải vậy!

Trở lại với danh nhân Nguyễn Trãi, chúng ta thấy ông đã quyết liệt bảo vệ sự thuần khiết của âm nhạc dân tộc và cũng chính sự ngay thẳng, trọng lễ này dẫn đến hệ lụy ông bị bọn hoạn quan triều đình ghen ghét và tìm những mưu hèn, kế bẩn để hại ông và kết cục là vụ án Lệ Chi Viên.

Tri ân ông, cách đền đáp tốt nhất của thế hệ hậu sinh là giữ gìn nguyên vẹn những di sản mà cha ông để lại. Mối nguy hiểm hiện hữu là ngay cả “cầm Nam” của chúng ta cũng đang bị kẻ khác lăm le chiếm đoạt và đến một lúc nào đó thì “khúc Nam” cũng không còn gảy được nữa. Tai hại thay!


Nguồn: Báo Pháp Luật VN