Các hãng đang thổi phồng thông số pin smartphone

Theo kiểm tra thực tế, nhiều thông số như công suất, tốc độ sạc pin trên smartphone không lý tưởng như quảng cáo của nhà sản xuất.

Khi giới thiệu smartphone mới, các hãng thường tập trung vào một số yếu tố nổi bật, bao gồm dung lượng pin và công suất sạc để thu hút người dùng.

Theo Android Authority, nhiều trường hợp thông số pin được các hãng tâng bốc quá đà, dễ gây hiểu lầm cho người dùng. Đây là một số thủ thuật quảng cáo pin từ các hãng mà người dùng cần lưu ý khi kiểm tra thông số trên smartphone mới.

Nhiều hãng smartphone sử dụng "chiêu trò" để quảng cáo quá đà công suất, tốc độ sạc pin. Ảnh: Android Authority.

Công suất sạc vào máy không như quảng cáo

Một trong các thông số được nhiều công ty quảng cáo "quá đà" là công suất sạc pin. Theo đó, hãng có thể tuyên bố công suất sạc trên smartphone là 45 W, 65 W hoặc cao hơn. Tuy nhiên trên thực tế, những con số chỉ có thể đạt trong một phút, 2 phút hoặc không thể.

Trong thử nghiệm của Android Authority, một mẫu smartphone được quảng cáo có công suất sạc 120 W nhưng trên thực tế, công suất sạc pin vào máy không vượt quá 80 W. Model khác với sạc nhanh 65 W chỉ đạt công suất này trong khoảng 5 phút, sau đó giảm xuống thấp hơn.

Công suất củ sạc khác công suất sạc vào smartphone

Không phải lúc nào con số in trên củ sạc cũng đồng nghĩa smartphone có thể sạc với công suất tương đương. Nói cách khác, củ sạc 30 W chưa chắc giúp smartphone sạc với công suất 30 W.

Trang Anandtech đã thử nghiệm với một củ sạc 120 W, công suất thực tế ra từ nguồn điện là 115 W. Trong khi đó, smartphone chỉ sạc với công suất 97 W. Một model khác được quảng cáo có thể sạc 30 W nếu dùng sạc của nhà sản xuất, nhưng công suất thực tế chỉ đạt 21-23 W.

“Bóp” hiệu năng khi chai pin

Cố tình “bóp” hiệu năng để tiết kiệm pin không phải điều mới mẻ từ nhà sản xuất, một trong các hãng nổi tiếng với việc này là Apple. Trên các mẫu iPhone bị chai pin, hiệu năng của chip xử lý sẽ bị giảm đáng kể, tránh tình trạng máy bị sập nguồn hay quá nhiệt.

Đó là "tính năng" hợp lý nhằm bảo vệ smartphone khỏi hỏng hóc. Tuy nhiên sự thiếu minh bạch, không cảnh báo trước cho người dùng khiến Apple bị chỉ trích nặng nề. Vấn đề được giải quyết bằng cách giảm giá thay pin, cập nhật iOS để người dùng nhận biết tình trạng pin trên máy, thậm chí tắt tính năng làm chậm chip xử lý nếu muốn.

Công suất in trên củ sạc không đồng nghĩa thiết bị có thể sạc với con số tương đương. Ảnh: Android Authority.

Hiển thị 100% nhưng chưa chắc pin đã đầy

Trong một số video quảng cáo hay so sánh, các hãng cho rằng thiết bị hiện 100% đồng nghĩa pin được sạc đầy. Tuy nhiên theo Android Authority, thực tế máy vẫn sạc thêm một thời gian ngắn để đạt dung lượng tối đa.

Về mặt tích cực, điều này giúp bảo vệ tuổi thọ pin. Khi chưa đầy hoàn toàn, pin sẽ mất thêm một thời gian trước khi hoàn tất một chu kỳ sạc. Tuy nhiên mặt khác, con số 100% giúp vài hãng quảng cáo quá đà về thời gian sạc pin.

Lấy ví dụ, một smartphone được hãng quảng cáo có thể sạc pin từ 0 lên 100% trong 29 phút. Tuy nhiên trong thử nghiệm của Android Authority, thiết bị vẫn mất thêm 20 phút để nạp đầy pin hoàn toàn. Tương tự, một model khác mất thêm 12 phút để sạc đầy dung lượng pin so với thời gian được quảng cáo.

Chu kỳ sạc khiến tuổi thọ pin giảm đáng kể

Một trong những thông số quyết định tuổi thọ pin cao hay thấp là số chu kỳ sạc trước khi dung lượng thực tế giảm mạnh. Một chu kỳ được tính khi sạc và xả hết 100% dung lượng pin. Ví dụ, viên pin với 800 chu kỳ sạc có thể duy trì thời gian sử dụng bình thường trong 2 năm, với điều kiện sạc pin mỗi ngày.

Số chu kỳ sạc trước khi chai pin của iPhone thấp hơn công bố của nhiều hãng smartphone Android. Ảnh: Android Authority.

Nhiều hãng smartphone hiện nay cho biết công suất sạc 200 W hay 125 W khiến pin trên máy giảm còn 80% dung lượng sau 800 chu kỳ sạc, tức 4.000 mAh còn 3.200 mAh. Đó là mức hao hụt lớn, sẽ khiến thời gian sử dụng giảm đáng kể sau 2 năm.

Website hỗ trợ của Apple cho thấy pin trên iPhone có thể giảm còn 80% dung lượng sau 500 chu kỳ sạc, thấp hơn khá nhiều so với các smartphone Android. Điều đó đồng nghĩa người dùng phải thay pin mới trong chưa đầy 2 năm nếu muốn thiết bị hoạt động bình thường.

Nguồn: https://zingnews.vn/cac-hang-dang-thoi-phong-thong-so-pin-cua-smartphone-post1297844.html