Bùng nổ dịch vụ giải cứu container hàng hóa bị bỏ rơi

Hàng ngàn container chứa đủ loại sản phẩm từ hạt bí ngô, bắp cải đỏ cho đến xe hơi cũ bị bỏ rơi khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu do tình trạng tắc nghẽn, mang lại cho các dịch vụ giải cứu hàng hóa cơ hội kinh doanh béo bở.

Jake Slinn, Giám đốc Công ty JS Cargo & Freight Disposal (Anh). Ảnh: Bloomberg

Các công ty kinh doanh dịch vụ này được trả phí để tháo dỡ và tiêu hủy những mặt hàng đã hư hỏng từ các container bị bỏ rơi. Họ cũng sẵn sàng mua chúng với giá rẻ nếu như hàng hóa bên trong còn giá trị bán lại.

JS Cargo & Freight Disposal (Anh) là công ty chuyên về dịch vụ giải cứu hàng hóa từ các container bị bỏ rơi. Hoạt động kinh doanh của công ty này đang bùng nổ khi tình trạng thắt nút cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến khoảng 3 triệu container nằm kẹt trên các tàu đang xếp hàng ở các cảng khắp thế giới, theo Niels Larsen, Chủ tịch mảng vận tải biển và hàng không phụ trách thị trường Bắc Mỹ ở Công ty vận tải và kho vận DSV.

Không có con số chính xác về quy mô của thị trường giải cứu hàng hóa nhưng những công ty như JS Cargo & Freight Disposal đang giúp xử lý hàng ngàn mặt hàng cần tiêu hủy hoặc cần bán lại để nhanh chóng giao trả các container rỗng cho các hãng vận tải biển.

Công ty giao nhận Flexport có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho biết, hiện nay, thời gian trung bình kể từ khi nhận hàng từ các nhà xuất khẩu châu Á cho đến lúc bàn giao tại các cảng châu Âu hoặc Mỹ là 100 ngày, tăng 40 ngày so với năm 2019.

Hàng hóa thường bị giao trễ hơn nữa sau khi chúng được đưa vào đất liền vì tình trạng thiếu tài xế xe tải và các nhà kho chật chội, không còn nhiều không gian để lưu trữ.

Tom Enders, Chủ tịch Công ty The Salvage Groups (Mỹ), nói: “Khi một sản phẩm không đến được nơi cần đến trong một thời gian nhất định, giá trị của nó thường giảm so với giá gốc”. Ông cho biết trong những trường hợp như vậy, khách hàng đôi khi từ chối nhận hàng, hoặc đơn giản là chấp nhận vứt bỏ chúng. Trong cả hai trường hợp, các hãng vận tải biển có thể liên lạc với một công ty như The Salvage Groups để giải cứu số hàng hóa đó.

Các lô hàng bị mắc kẹt mất giá trị theo nhiều cách. Chẳng hạn, hàng thực phẩm và rau quả có thể bị hư hỏng, trong khi đó, hàng hóa theo mùa như máy quạt điện có thể không được đưa đến tay nhà bán sỉ trước mùa hè, hoặc máy móc phục vụ một công trình xây dựng có thể đến quá trễ.

Ngay cả những mặt hàng còn tốt cũng có thể mất giá trị nếu như chủ hàng không thể đưa chúng ra khỏi cảng trước khi phí lưu kho bãi vượt giá trị của chúng.

“Các container mắc kẹt ở các cảng gây phát sinh chi phí rất lớn”, Jake Slinn, Giám đốc Công ty Cargo & Freight Disposal (Anh), cho biết.

Paul Vidler, Giám đốc điều hành Công ty Crown Salvage (Anh), nói: “Nếu bạn có một container mắc kẹt ở bến cảng trong sáu tháng, bạn chắc chắn không muốn nhìn vào hóa đơn phí lưu kho bãi”.

Giá cước vận tải biển đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 4 và nguồn cung container rỗng đang thiếu hụt trên khắp thế giới, vì vậy, các hãng vận tải biển muốn đưa chúng trở lại lưu thông càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu chúng đã được đóng hàng, tất cả những gì họ có thể làm là ngồi chờ. Tom Enders cho biết không ai trong chuỗi cung ứng có thể kiếm tiền nếu các container bị mắc kẹt và nằm im một chỗ.

Đó là lúc họ cần đến các dịch vụ giải cứu container. Họ sẽ trả phí thuê tháo dỡ hàng hóa không còn giá trị bên trong container. Ngược lại, nếu hàng hóa còn giá trị, họ sẽ bán chúng.

Công ty của của Jake Slinn đã giúp các hãng tàu tháo dỡ hàng hóa từ hơn 200 container bị bỏ rơi trong năm nay.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến kéo dài sang năm 2022, có nghĩa là nhu cầu dịch vụ giải cứu hàng hóa vẫn rất lớn, đặc biệt là nếu đại dịch Covid-19 kéo dài vì sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Slinn thành lập công ty cách đây 3 năm và đặt văn phòng làm việc tại phòng ngủ của anh ở nhà cha mẹ anh. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, công việc kinh doanh của anh phất lên nhờ các lô hàng bị bỏ rơi tăng mạnh.

Hiện nay, Slinn đã ký các hợp đồng độc quyền với một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới để giải cứu container bị bỏ rơi ở Anh. Với sự trợ giúp của anh trai và mẹ anh, Slinn có thể xử lý 5-10 container bị bỏ rơi mỗi tuần với doanh thu hàng năm khoảng 500.000 bảng (670.000 đô la). Anh kỳ vọng doanh thu trong năm 2022 sẽ đạt 1 triệu bảng.

Tuy nhiên, Slinn cho biết việc mua các container hàng bị vứt bỏ có thể là một canh bạc.

“Chúng tôi chấp nhận rủi ro lớn vì chúng tôi không chắc hàng hóa có bên trong các container bị vứt bỏ là gì. Bạn không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì”, anh nói.

Slinn đã phải vứt bỏ hàng nghìn khẩu trang dỏm và bắp cải đỏ đã hư thối từ các container bị bỏ rơi. Nhưng cũng có nhiều lần anh lãi khá nhờ mua rẻ những mặt hàng còn giá trị và bán lại, bao gồm lần mua lô hàng da cao cấp bị khách từ chối nhận vì chê da quá nhăn.

Các công ty khác cũng kiếm được bộn tiền nhờ bán lại hàng hóa giải cứu trên các nền tảng bán đấu giá. Các nền tảng này thường là nơi mua bán hàng hóa thu gom ở các trung tâm phân phối hoặc các nhà máy cũng như ở các cảng.

Charlie Wilson, Giám đốc điều hành nền tảng bán đấu giá hàng giải cứu, tồn kho dư thừa và hãng lỗi trực tuyến Salvex, thuộc sở hữu của tập đoàn Ritchie Bros (Canada), cho biết hàng hóa trái mùa và các linh kiện công nghiệp dư thừa thường được rao bán trên nền tảng này. Ông ước tính nguồn cung hàng hóa giải cứu được rao bán trên nền tảng của công ty ông tăng 15% so với năm ngoái.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bung-no-dich-vu-giai-cuu-container-hang-hoa-bi-bo-roi/