Bối rối vì nghe tư vấn 'ngành học vô dụng' trên TikTok

Cả tuần nay, Ngọc Linh băn khoăn vì ngành Ngôn ngữ Anh mà em định theo đuổi bị một TikToker liệt vào một trong "ba ngành học vô dụng nhất Việt Nam".

Ngọc Linh là học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long, Hà Nội, tính đặt nguyện vọng 1 đại học vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Thương mại. Em mong muốn theo nghề biên, phiên dịch trong tương lai.

"Em bất ngờ, rồi hoang mang trước con đường sắp chọn", Linh nói.

Theo Linh, TikToker đưa ra nhận định trên kèm lý do ngày nay ai cũng phải học tiếng Anh. Đặt câu hỏi "giữa một người chỉ biết tiếng Anh và một người giỏi tiếng Anh và giỏi cả chuyên ngành khác, nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?", người này khuyên bạn trẻ nên theo chuyên ngành khác và học thêm IELTS, thay vì lãng phí 4 năm học. Clip thu hút hơn 77.000 lượt thích, 2.500 bình luận.

Hai ngành học khác cũng bị TikToker chê "vô dụng" là Quản trị kinh doanh và Marketing, khiến Thu Hương, học sinh lớp 12, trường THPT Tân Bình, TP HCM, rối bời. Quản trị kinh doanh là định hướng từ đầu năm học của nữ sinh.

"Lướt TikTok, em gặp đến gần 10 video chê ngành học này", Hương nói, cho biết người trong video chê ngành Quản trị kinh doanh dạy kiến thức chung nhiều mảng (marketing, logictics, kế toán, nhân sự), mỗi thứ một ít không chuyên sâu nên ra trường "không làm được gì".

"Có người cho rằng, ngành Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo, chỉ nên mở cho người có công ty hoặc học thêm để làm quản lý. Em lăn tăn vì gia đình không giàu, không có công ty riêng", Hương chia sẻ.

Ngoài ra, các video 1-5 phút về ngành học lương cao, dễ xin việc như Tài chính - Đầu tư, Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Y khoa,... cũng thu hút hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt xem.

Việc xuất hiện hàng loạt video tư vấn hướng nghiệp trên TikTok, nền tảng mảng xã hội được giới trẻ ưa chuộng, trước mùa tuyển sinh 2023 khiến không ít thí sinh bối rối.

TikTok công bố đạt khoảng một tỷ người dùng hàng tháng từ năm 2021. Theo nhiều thống kê, số thanh thiếu niên dùng TikTok ở các quốc gia chiếm hơn một nửa số tài khoản. Tại Việt Nam, số người dùng TikTok năm 2022 là hơn 27 triệu, theo thống kê của nền tảng marketing b2bhouse. Ngoài ra, một khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện vào quý 4 năm ngoái cho thấy 67% GenZ (11-26 tuổi) được hỏi có dùng TikTok.

Bà Nguyễn Hải Trường An, Phó phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM, cho biết vì các clip trên TikTok, thời gian gần đây bà nhận được nhiều thắc mắc về "ngành học vô dụng" khi tư vấn tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành nào không tuyển được trong 2-3 năm hoặc không đạt chỉ tiêu việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp sẽ bị loại. "Ngành đó vẫn tồn tại và trường vẫn đi tuyển sinh thì không thể gọi là ngành học vô dụng", bà An nói.

Ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng nói Ngôn ngữ Anh là ngành học vô dụng, chỉ cần học IELTS là phiến diện. Lý do là chứng chỉ IELTS không thể giải quyết các vấn đề chuyên sâu về ngôn ngữ. "Nếu thế, một số sinh viên trường Nhân văn trước khi vào năm nhất đã đạt 8.0 IELTS thì đặt chân vào thị trường việc làm luôn chứ không dại gì lãng phí thời gian, tiền bạc học 4 năm", ông Hạ nói.

Theo lời ông Hạ, khi tình cờ gặp một sinh viên cũ làm phiên dịch về đô thị thông minh, ông bất ngờ vì em này dùng nhiều từ khá mới lạ và hay. Cựu sinh viên này nói với ông rằng nếu không được đào tạo nền tảng chuyên sâu ngôn ngữ thì không thể dịch nổi.

Ông Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng người làm tư vấn tuyển sinh phải nắm được đặc thù ngành, nghề đào tạo, cơ hội việc làm và thực tế công việc thế nào, cũng như nắm chắc những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của trường. Trong khi đó, không chỉ trên nền tảng TikTok, nhiều kênh hướng nghiệp trên mạng xã hội cũng đưa ra tư vấn thiếu hoặc sai thông tin.

Ban tư vấn tuyển sinh của trường từng gặp một số trường hợp tư vấn sai mã ngành đào tạo, phương thức tuyển sinh. "Thí sinh chỉ xem những kênh mạng xã hội mà thiếu đối chiếu sẽ dẫn đến sai sót khi làm hồ sơ, đăng ký nguyện vọng, dẫn đến mất cơ hội xét tuyển", ông lưu ý.

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP HCM, đánh giá, một số video đã đưa ra lời tư vấn chung chung, không am hiểu sâu sắc về ngành nghề. "Thậm chí, video có chứa định kiến cá nhân về một số ngành nghề mà người tư vấn không thích, làm học sinh nhìn nhận sai", ông Lý nói.

Các chuyên gia khuyên thí sinh bình tĩnh, tham khảo chắt lọc. Khi tiếp nhận thông tin, học sinh cần xem ai là người đưa ra tư vấn, độ uy tín và chuyên môn thế nào, có số liệu hay minh chứng gì không. Còn để lựa chọn ngành nghề, học sinh cần tìm được sở trường, sở đoản, đam mê, xem dự báo xu hướng việc làm tương lai từ các nguồn đáng tin cậy.

Thu Hương nói sẽ dành một tháng tới để tìm hiểu kỹ thông tin về ngành Quản trị kinh doanh trên báo, đài, các chuyên gia ở trường đại học trước khi ra quyết định.

Còn Ngọc Linh, sau một tuần hoang mang, đã được anh trai khuyên tham gia các cộng đồng biên phiên dịch tiếng Anh. Em chủ động kết nối và nhận được lời khuyên từ ba anh, chị là biên tập viên và thông dịch tiếng Anh. Linh được giải thích, học IELTS giống như một công cụ hỗ trợ, còn học chuyên ngành ngôn ngữ Anh ở bậc đại học là học chuyên môn cứng, là nền tảng để sau này theo đuổi các công việc chuyên sâu về ngoại ngữ như biên phiên dựng, nhà nghiên cứu, xây dựng giáo trình Anh ngữ.

"Em sẽ vẫn chọn ngành ngôn ngữ Anh và xác định tương lai có triển vọng hay không phần lớn là do năng lực bản thân", Linh nói.

Nguồn: VnExpress