Bộ Lao động -Thương binh và xã hội tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải gánh vác nhiều vấn đề bảo đảm đời sống người lao động. Ảnh minh họa
Đơn giản tối đa thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp dù rất cố gắng, nhưng đang ở giai đoạn khó khăn. Dịch bệnh đang bùng phát lần thứ tư và tác động mạnh, rộng hơn. Đặc biệt, dịch đã tác động vào khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi các doanh nghiệp sử dụng đông lao động.
Việt Nam không đứng ngoài 3 điểm nghẽn là đứt gãy thiếu đi cung ứng, khủng hoảng lao động, việc làm và những bức xúc của xã hội. Trong đó doanh nghiệp phải gánh vác nhiều vấn đề như: Chăm lo cho người lao động, lương, thu nhập và nhu cầu sống tối thiểu, môi trường làm việc…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp chính là duy trì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời phải bảo đảm, duy trì cung ứng lao động. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kiến nghị với Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ các chính sách hiện tại. Đồng thời, đề xuất các chính sách mới có tính chất căn cơ, trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp phát triển. Trong đó coi trọng chính sách tài khóa - là chính sách hàng đầu các quốc gia đang thực hiện.
“Tôi xin đề nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo việc tiêm vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế và người già, cần ưu tiên và thực hiện ngay việc hỗ trợ tiêm vắc-xin cho khu vực tăng trưởng. Ở đây tập trung chuyên gia, đội ngũ công nhân khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao. Những đối tượng này cũng chính là nền tảng để tăng trưởng”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Liên quan tới việc doanh nghiệp phải quyết toán thuế năm 2020 mới được hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, đây là yêu cầu bắt buộc của ngân hàng khi cho vay. Hiện, tất cả các tỉnh, địa phương đang thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ không thấy vướng vấn đề này.
“Tôi đề nghị các địa phương nếu vướng, chúng ta có thể bỏ thủ tục này, cứ gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau đó Ngân hàng sẽ áp cùng chính sách với thuế để chuyển thủ tục. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản các thủ tục”- Bộ trưởng nói.
Giải quyết ngay các chính sách “tiền tươi thóc thật”
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.
“Bên cạnh những địa phương làm tốt thì nhiều địa phương còn coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân. Trong số các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, không phải khó khăn là không thực hiện tốt mà cho thấy những địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Từ lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và các địa phương phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động sáng tạo. Trong cái khó, tìm ra cái mới. Làm lãnh đạo thì phải có mưu, cấp giúp việc phải có mẹo. Nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn. Nơi nào chưa quan tâm thì phải quan tâm hơn.
Ngành phải tự tin vượt lên chính mình, qua công việc này để khẳng định vị trí vai trò ngành mình. Phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai. Theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian. Không được tăng thời gian về xử lý quy trình. Những vẫn đề thuộc thẩm quyền ngành LĐ-TB&XH phải xử lý ngay, phân cấp triệt để.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Tất cả các đơn vị rà soát lại công việc. Đơn vị nào chưa có kế hoạch chi tiết với từng nhóm đối tượng và phân công theo dõi từng đối tượng. Phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, không có khái niệm chung chung tập thể”.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ vào các nhóm cơ bản: Nhóm phát tiền mặt F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp. Các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ. Không thể thụ động chờ đợi.
Đồng thời, tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do. Nhất là khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa. Gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh thành chia 3 nhóm: Các tỉnh đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến BHXH.
Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ: Nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai.
Đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ BHXH và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay. Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện chỉ thị 16 phương châm lúc này tập trung cái ăn, mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc bảo đảm người dân không bị thiếu đói.
Bộ trưởng đề nghị, các đơn vị khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng.
Trong đó cần đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với hình thức đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ.
Nguồn GDTĐ