Bộ giáo dục và đào tạo điều chỉnh quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Theo đề nghị của Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, liên quan đến đối tượng và điều kiện dự thi, số lượng thí sinh, hồ sơ tham dự…

Bộ giáo dục và đào tạo điều chỉnh quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Theo đó, về đối tượng và điều kiện dự thi, Thông tư 02 quy định thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Về số lượng thí sinh, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 06 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GDĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GDĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Về hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Thông tư 02 sửa đổi, bổ sung học bạ chính của cấp học (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc Học kỳ I của năm học) hoặc phiếu xác nhận xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) của học kỳ liền kề với kỳ thi của từng thí sinh, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức ngay sau khi kết thúc Học kỳ I của năm học).

Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư này quy định số lượng thí sinh trong đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tiếp tục giữ ổn định theo số lượng thí sinh được đăng ký tối đa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.

Ngoài ra, Thông tư 02 thay thế cụm từ “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục” bằng cụm từ “Cục Quản lý chất lượng”; Thay cụm từ “phòng Khảo thí” bằng cụm từ “phòng Quản lý thi” tại một số điều khoản đã quy định theo Quy chế.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 21.2.2023.

Nguồn: daibieunhandan.vn