Bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Nông Cống – Nam Thanh Hóa.

Theo đó, để tạo thuận tiện cho người dân, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh phát triển, ứng dụng phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của nền kinh tế, bảo đảm tính bảo mật cao, an toàn, thông suốt. Hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng đã được đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Đồng thời, các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực thanh toán đã cho ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng. Tính đến đầu tháng 2-2021, toàn tỉnh có 33 chi nhánh ngân hàng thương mại với hàng trăm phòng giao dịch. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn bố trí 310 máy ATM, 915 máy POS tại khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, qua đó, hỗ trợ tối đa nhu cầu thanh toán của người dân trong tỉnh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thanh Hóa, năm 2020, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2019; giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 130% về số lượng và 160% về giá trị. Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh, nhưng dịp cuối năm lại là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng đột biến, vì hầu hết người dân, doanh nghiệp đều có nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu và trả lương cho người lao động.

Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc NHNN Thanh Hóa, cho biết: NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần có phương án tổ chức điều hòa, cung ứng tiền mặt bảo đảm chất lượng, số lượng, hợp lý về cơ cấu mệnh giá, an toàn tuyệt đối trong quá trình thu, chi và vận chuyển. Mặt khác, NHNN Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch về cung ứng tiền mặt, theo dõi sát diễn biến thu, chi tiền mặt trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, tăng cường chi các loại tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng để bảo đảm đủ cơ cấu tiền trong lưu thông nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân. NHNN Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho khách hàng kể cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải khất hoãn chi trong giao dịch thanh toán. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời cho ATM bảo đảm máy hoạt động 24/24h, chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm trả lương, thưởng, nghỉ tết...

Cùng với việc tập trung chỉ đạo các ngân hàng bảo đảm an toàn và đủ số lượng tiền mặt trên các cây ATM, NHNN Thanh Hóa cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý đối với các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái pháp luật; hoạt động lợi dụng, tiếp tay và cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Các ngân hàng cũng khuyến cáo, khách hàng khi rút tiền mặt với số lượng lớn cần đến phòng giao dịch để được giải quyết nhanh chóng. Trong các ngày cận tết, các ngân hàng vẫn mở cửa một số phòng giao dịch để phục vụ nhu cầu giao dịch, người dân có thể đến rút tiền, hoặc gửi tiết kiệm và chuyển khoản như những ngày làm việc thông thường.


Nguồn: Báo t/h