Ban Bí thư kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang; nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh, đại tá Phạm Thái Sơn; Chủ tịch UBND huyện Cô Tô...
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. (Ảnh: TTXVN phát)
Trước những vi phạm rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị công tác, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, mới đây Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh.
Ban Bí thư cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và ông Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.
Trong các trường hợp bị xử lý kỷ luật nêu trên, từng cá nhân mắc những sai phạm khác nhau, đã được Ban Bí thư chỉ rõ. Ông Cao Minh Quang khi giữ các chức vụ Đảng ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Quy định những điều đảng viên không được làm.
Ông Quang cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lưu hành thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ, để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ngành y tế và cá nhân ông Quang.
Đối với ông Phạm Thái Sơn, khi giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh, đã vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao; Quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định về trách nhiệm nêu gương, Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định của Bộ Quốc phòng về trách nhiệm người chỉ huy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, quân đội và cá nhân ông Sơn.
Đối với ông Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh thanh tra tỉnh Lào Cai, Ban Bí thư nêu rõ đã sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông trung học không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước; thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết nạp vào Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, vi phạm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, quy định về những điều đảng viên không được làm. Ông Vinh suy thoái về tư tưởng chính trị, trong kiểm điểm tự phê bình còn giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận khuyết điểm.
Đối với ông Lê Hùng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh), Ban Bí thư nhận định với cương vị là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, ông Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Có thể thấy, tuy những sai phạm nêu trên là khác nhau nhưng có một điểm chung đều vi phạm Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Đây là quy định mới được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa một số nội dung của Quy định số 47- QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm trước đó. Các nội dung trong Quy định 37-NQ/TW tiếp tục thể hiện quan điểm kiên quyết, kiên trì của Đảng trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi, hiện tượng, biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, tha hóa... Đây là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," qua đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ông Đàm Quang Vinh phát biểu tại Đại hội Chi bộ phòng trực thuộc hồi năm 2020. (Nguồn: vov.vn)
Đáng chú ý, những sai phạm được Ban Bí thư chỉ ra đối với ông Đàm Quang Vinh là đã sử dụng Bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước; thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết nạp vào Đảng… Ông Vinh đã vi phạm vào những điều đảng viên không được làm mới được quy định bổ sung tại Điều 9 của Quy định số 37-QĐ/TW: Đảng viên không được “… Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp…”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, lâu nay trong Đảng nhức nhối về những hiện tượng tiêu cực như thế. Có những người sử dụng văn bằng không đúng, chứng chỉ không đúng, chứng nhận giả, không hợp pháp, do đó việc bổ sung vào Điều 9 nội dung này rất phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng để ngăn ngừa những hiện tượng này mặc dù chưa nhiều, để giữ vững được phẩm chất của người đảng viên cộng sản.
Cùng với việc vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, với những trọng trách được giao, ông Cao Minh Quang, Phạm Thái Sơn, Lê Hùng Sơn và Đàm Quang Vinh đều đã vi phạm quy định nêu gương của người cán bộ, đảng viên.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên đã được quy định trong rất nhiều văn bản: Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Và gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương."
Đặc biệt, trong Kết luận số 21-KL/TW mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục yêu cầu “Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp…” Tất cả những vi phạm, không thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị công tác sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Kết luận 21-KL/TW thể hiện quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, cùng với mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, điểm mới trong Kết luận 21-KL/TW là đi đôi với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," là bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn; kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống;" yêu cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, "lợi ích nhóm," quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Hàng loạt các quy định của Đảng, đặc biệt là một số quy định mới được ban hành sau Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện quyết tâm đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa." Đây cũng là nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”./.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/ban-bi-thu-kip-thoi-xu-ly-nghiem-nhung-can-bo-dang-vien-vi-pham/761653.vnp