'Bài toán' bữa ăn bán trú ở Điện Biên Phủ

Không thể nộp suất ăn bán trú cho con đang học mẫu giáo, chị Trá Thị Ong đến điểm trường để nấu ăn, góp công sức thay vì tiền.

Từ 7h30 sáng, chị Ong có mặt tại điểm trường Nà Pen, trường Mầm non số 2 xã Nà Nhạn, để sơ chế thực phẩm. Người phụ nữ dân tộc Mông, 31 tuổi, có con đang học lớp mẫu giáo lớn tại trường.

Nà Nhạn vốn là xã đặc biệt khó khăn, con của chị Ong trước đây được nhà nước hỗ trợ tiền ăn bán trú. Nhưng khi xã lên nông thôn mới (trừ Nà Pen 2) ba năm nay, chị Ong hơi buồn vì khoản này không còn.

"Chúng tôi chỉ có thể góp sức nấu cơm", chị Ong nói, cho biết thu nhập chủ yếu từ làm nương, chị không có tiền đóng suất ăn bán trú cho con.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ, cho biết Nà Nhạn cùng với Nà Tấu, Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên trước đây, là xã khu vực III, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ năm 2020, ba xã này được sáp nhập vào thành phố Điện Biên Phủ, đạt chuẩn nông thôn mới.

Vì vậy, từ năm học 2021-2022, học sinh ba xã nói trên đều không còn chế độ trợ cấp bán trú theo quy định của Chính phủ. Ông Hưng nói điều này ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, nhất là các em hộ nghèo, cận nghèo thuộc dân tộc Khơ mú và dân tộc Mông.

Theo cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng trường mầm non số 2 xã Nà Nhạn, mặc dù xã đã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới nhưng đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Phụ huynh của trường 100% là người dân tộc Mông, kinh tế eo hẹp, nhận thức chưa cao và không có tiền đóng suất ăn cho con.

"Có học sinh nộp được một, hai lạng gạo mỗi buổi (khoảng ba cân gạo một tháng), có em thì không được cân gạo nào", cô Bình nói. "Bài toán" về bữa ăn bán trú cho học trò khiến cô Bình và các đồng nghiệp trăn trở.

Theo ông Vũ Minh Trung, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, ngoài các chế độ chính sách của nhà nước, phòng Giáo dục kết hợp với các trường tích cực thực hiện công tác xã hội hóa, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nhiều đợt quyên góp tiền, quần áo, gạo, sách vở cho học sinh được tổ chức, phần nào động viên được các em ra lớp và có điều kiện học hành.

Chị Trá Thị Ong cho hay mỗi năm, một phụ huynh như chị nấu ăn liên tục hai tuần tại điểm trường. Qua đây, chị được giám sát chất lượng vệ sinh thực phẩm, đảm bảo bữa ăn sạch cho con mình và các học sinh khác.

"Nấu ăn cho học sinh, tôi cũng thấy vui vì giúp các cô được một công việc nho nhỏ, để các cô còn dạy học cho con mình và các em khác", chị Ong nói.

Nguồn: VnExpress