Bắc Ninh: Ngành GD&ĐT tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng

 

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của ngành GD&ĐT Bắc Ninh.

Năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; Chỉ thị số 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành.

Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018; đẩy mạnh việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh sau THCS, THPT; Đồng thời, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh phù hợp với giai đoạn mới.

Ở bậc Mầm non, đẩy mạnh chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, đa dạng hình thức, phương pháp chăm sóc giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”.

Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; thực hiện nghiêm việc phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục và bộ quy tắc ứng xử theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ở bậc Tiểu học, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đã tham mưu, phối hợp, chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 đối với học sinh lớp 1; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học lớp 2 đến lớp 5 theo định hướng tiếp cận CTGDPT 2018;

Điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục, đảm bảo vừa sức, chuẩn kiến thức, không chồng chéo giữa các môn học, các khối lớp trong cấp học. Đặc biệt, thực hiện đánh giá học sinh lớp 1 theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT; đánh giá học sinh lớp 2 đến lớp 5 theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.  

 Bắc Ninh chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh chương trình và kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tế và khả năng học tập của học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh đáp ứng việc đổi mới hình thức thi và kiểm tra, đánh giá, nhất là đối với học sinh cuối cấp.

Kết quả xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên bậc THCS đạt 97,7%, bậc THPT đạt 97,7%; xếp loại văn hóa khá, giỏi bậc THCS đạt tỷ lệ 67,4%, bậc THPT đạt 82,8%.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021, học sinh Bắc Ninh đoạt 57 giải (tỷ lệ 79,2%) với 5 giải Nhất, 21 giải Nhì, 21 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; 13 học sinh đủ điều kiện dự thi vòng 2.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đã chỉ đạo thực hiện, duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. 126/126 số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt phổ cập giáo dục các cấp học, xóa mù chữ với tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt trên 99,0%.

Cùng với đó, tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT phù hợp với giai đoạn mới. Hiện Bắc Ninh có 504 trường học từ cấp học mầm non đến THPT, trong đó 468 trường công lập, chiếm tỷ lệ 92,8% (tăng 3 trường so với cùng kỳ năm học 2019-2020); 355.057 học sinh các cấp, tăng 10.738 học sinh so với cùng kỳ năm học 2019-2020.

Nguồn GDTĐ