8 tố chất cần có của một nhà thiết kế thành công
Tư duy sáng tạo
Bạn sẽ không thể được tuyển dụng vào bất kỳ công việc thiết kế nào nếu có một tư duy cũ kỹ, bó buộc sáng tạo và giậm chân tại chỗ. Để thành công, bạn cần gợi mở các “cửa sổ” giác quan để nhìn nhận và thấu cảm sự vật, sự việc. Bạn cần nhạy cảm với màu sắc, hình dáng, bố cục và trong tư thế luôn tiếp thu và sáng tạo. Ngừng sáng tạo đồng nghĩa với thất bại. Người nào sở hữu tư duy sáng tạo cao người đó sẽ dễ tạo ra được những sản phẩm thiết kế mang tính thẩm mỹ cao, độc đáo và thuyết phục ngay cả khách hàng khó tính.
Yêu và hướng đến cái đẹp
Một người làm trong lĩnh vực thiết kế hiển nhiên là người luôn yêu và khát khao hướng đến cái đẹp. Đó là vẻ đẹp đa dạng của cuộc sống muôn màu muôn vẻ, từ hình ảnh, bố cục, sắc màu, hình khối... Chính tình yêu vẻ đẹp hoàn mỹ này sẽ là nguồn động lực thôi thúc bạn sáng tạo không ngừng, không chỉ làm hài lòng khách hàng mà còn thỏa mãn chính bạn.
Luôn học hỏi, luôn “chuyển động”
Một nhà thiết kế thực thụ luôn cần hòa vào dòng chảy của xu hướng, xây dựng phong cách phù hợp với thời đại, luôn vận động các giác quan của bản thân trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới phù hợp với thời đại. Học hỏi và rèn luyện để nâng cao tay nghề cùng như tư duy thẩm mỹ sao cho tạo ra sản phẩm tốt hơn từng ngày luôn là đích đến của bạn. Đồng thời cần nhạy bén, có khả năng đón đầu hoặc nắm bắt được thị hiếu cũng như nhu cầu của xã hội để tạo ra sản phẩm cuốn hút.
Linh hoạt, năng động
Nếu bạn thích nhàn nhã, thư thái và một cuộc sống ít hoạt động thì tốt nhất không nên chọn làm việc trong lĩnh vực thiết kế. Đây là công việc dành cho người có phong cách sống năng động, tố chất linh hoạt, óc quan sát tỉ mỉ và khả năng chịu áp lực công việc cao.
Có cá tính
Điều này có nghĩa là bạn phải đảm bảo mình không “đẽo cày giữa đường”. Một nhà thiết kế thành công phải khẳng định được dấu ấn cá nhân qua chính sản phẩm mình thiết kế. Tính bướng bỉnh thường làm người khác khó chịu nhưng nó cần thiết cho một nhà thiết kế nếu muốn xây dựng phong cách riêng biệt không để bị pha trộn với bất kì ai khác, đặc biệt trong việc bảo vệ lập trường vững chắc.
Tuy nhiên khẳng định lập trường không đồng nghĩa với việc bảo thủ và cố chấp mà ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển, ngăn cản bạn tiếp nhận cái mới.
Tự quản lý chính mình
Tính chất công việc của một thiết kế thường là làm việc một mình khi nhận một dự án. Nó đi kèm với trách nhiệm và các điều khoản cần thực hiện. Điều này bắt buộc họ phải chủ động quản lý chính mình, về cả thời gian và không gian sáng tạo sao cho sản phẩm cuối cùng được hoàn thành tốt nhất. Nếu không biết quản lý, không biết xây dựng kế hoạch thực hiện sẽ rơi vào tình trạng thụ động và thiếu kiểm soát. Lúc này sản phẩm cuối cùng làm ra kém chất lượng là điều tất nhiên.
Thích mày mò nghiên cứu
Muốn thành công trong ngành thiết kế, bạn đòi hỏi sự yêu thích nghiên cứu, mày mò các tác phẩm, sản phẩm hay các tài liệu chuyên về lĩnh vực thiết kế. Điều này giúp bạn dễ dàng nắm bắt được các kỹ năng, kiến thức và tạo ra sản phẩm khác biệt, không bị đi vào lối mòn.
Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ
Nếu bạn làm công cho một đơn vị nào đó, bạn sẽ dành nhiều thời gian chuyên tâm vào công việc chuyên môn của mình. Lúc này kỹ năng giao tiếp chỉ ở mức độ thuyết phục cấp trên và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp là được. Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng sự nghiệp riêng cho bản thân mình, bạn nhất định phải có kỹ năng giao tiếp và tạo dựng các mối quan hệ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu và nắm bắt được nhu cầu, tâm lý khách hàng trong quá trình trao đổi công việc được thuận lợi. Khả năng giao tiếp sẽ là cầu nối đưa ý tưởng của khách hàng biến thành sản phẩm thiết kế cụ thể và thuyết phục.
Thiết kế là một công việc đầy thú vị và sẽ phát triển hơn nữa do nhu cầu thiết thực của xã hội. Khi có niềm say mê với nghề này, bạn cần vạch ra cho mình kế hoạch cụ thể rõ ràng, kiên định với mục tiêu để sống được với nghề.
Nhận biết các tố chất cần có của một nhà thiết kế sẽ giúp bạn dễ dàng đối chiếu xem liệu mình có phù hợp để theo ngành này hay không. Tuy nhiên, để thành công, các tố chất chỉ là nền tảng, là một yếu tố góp phần, còn lại là cả quá trình dài nỗ lực học tập và rèn luyện không ngừng.