7 trường tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh đại học năm 2024
Nhằm phục vụ xét tuyển đầu vào năm 2024, 7 cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến được tổ chức với 6 đợt thi, phục vụ khoảng 75.000 thí sinh tại: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương.
Thời gian từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).
Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài thi hoặc hết thời gian thi theo quy định.
Trong khi đó, Kỳ thi đánh giá tư duy năm nay do Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến được tổ chức với 6 đợt bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.
Địa điểm tổ chức thi đánh giá tư duy năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên và Đà Nẵng.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức một đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, dự kiến trong ngày 11/5.Theo đó, thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc lựa chọn 2-5 bài thi đánh giá năng lực sẽ đăng ký dự thi. Đối với mỗi ca thi, chỉ đăng ký tối đa một bài thi. Thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tại một trong ba điểm thi ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.
Năm nay, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, với 3 đợt.
Thí sinh dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Năm 2024, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể tham gia 1 đợt hoặc cả 2 đợt thi.
Đợt 1 (dự kiến tổ chức vào ngày 7/4) tại 24 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Đợt 2 (dự kiến tổ chức vào ngày 2/6) tại 12 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực, tăng một đợt so với năm ngoái. Thí sinh đăng ký dự thi và nộp lệ phí theo hình thức trực tuyến.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức, gồm các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh.
Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 4 đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức kỳ thi này.
Kỳ thi gồm 6 bài độc lập là Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Sử, Địa. Trong đó, môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, còn lại 60 phút với hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi đánh giá năng lực TestAs (Test for Academic Studies) của Trường ĐH Việt Đức dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới đây. Kỳ thi bao gồm hai bài viết: một bài cơ bản (Core Test) và một thi khối kiến thức chuyên ngành (Subject Specific Test). Đối với từng ngành học nhất định, thí sinh sẽ đăng ký bài thi tương ứng về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật; hay Kinh tế.
Kết quả tổng hợp của bài thi đầu vào hoặc của chứng chỉ TestAS hợp lệ được xác định từ kết quả của hai bài thi thành phần theo tỉ lệ: Bài thi kiến thức cơ bản chiếm 40% và bài thi kiến thức khối chuyên ngành chiếm 60%.
Nguồn: VTV