60 năm giữ lửa nghệ thuật tuồng

Màn trống hội mừng Nhà hát Tuồng Việt Nam tròn 60 tuổi. Ảnh: Trần Huấn.

Trong bài diễn văn ôn lại chặng đường 60 năm giữ lửa nghệ thuật tuồng, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, từ Đoàn tuồng Bắc với hai hạt nhân đầu tiên là vợ chồng NSND Quang Tốn và Bạch Trà, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã được thành lập, xây dựng và phát triển trong suốt 60 năm qua.

Trong cả chặng đường rất dài ấy, nhà hát đã tụ hội mười thế hệ nghệ sĩ – những con người không ngừng đam mê, cống hiến cả cuộc đời để giữ lửa nghệ thuật tuồng.

Từ 15 thành viên thuở ban đầu, tới nay nhà hát có 2 đoàn biểu diễn với 120 nghệ sĩ và cán bộ, viên chức, trong đó 18 NSND và 42 NSƯT.

Cũng trong 60 năm qua, nhà hát đã tích cực khai thác, phục hồi các vở tuồng truyền thống để gìn giữ và bảo lưu cũng như dàn dựng thành công hàng trăm vở tuồng mới gồm đủ các đề tài, thể tài khác nhau: truyền thống, lịch sử, dân gian, hiện đại nước ngoài...

Hàng chục vở diễn, chương trình nghệ thuật được tặng thưởng Huy chương Vàng, Bạc và nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân nghệ sĩ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Minh Hà.

Những tác phẩm do Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng đã khẳng định phong cách và tiếng nói nghệ thuật riêng, khẳng định phương hướng phát triển nghệ thuật đúng hướng của nhà hát.

Với những nỗ lực trong suốt 60 năm qua, Nhà hát đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất – Nhì - Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất - Nhì – Ba… Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát đã được trao Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

Bên cạnh những thành quả đó, ông Tuấn cũng nêu những trăn trở: “Công việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống thật biết mấy buồn vui.

Vui vì đã bảo tồn, tiếp nối được những thành quả của cha anh để lại và khán giả, bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo của một loại hình nghệ thuật được coi là di sản văn hóa dân tộc.

Còn chẳng buồn sao được khi khán giả đến xem tuồng ngày một thưa vắng đặc biệt là khán giả trẻ, đội ngũ kế cận ngày càng thiếu và khủng hoảng trầm trọng…”.

Trước thực tế đó, theo ông Tuấn, những năm qua, nhà hát đã tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu những cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đã đánh giá cao những phấn đấu sáng tạo không ngừng của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của nhà hát Tuồng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2019. Ảnh: Minh Hà.

60 năm qua nhà hát đã luôn kế thừa vốn nghệ thuật tuồng truyền thống quý báu của cha ông, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để sáng tạo nên nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.

Nhà hát đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn của miền Bắc, là cánh chim đầu đàn của ngành Tuồng cả nước, hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên tài năng, tâm huyết.

“Nhà hát cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hơn nữa nhân dân trong nước, đặc biệt đối với khán giả trẻ, khán giả nước ngoài; cần vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ, văn nghệ sĩ…” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.


Nguồn: Báo GD&TĐ