17 năm lênh đênh trên sông của 'người Sài Gòn bất đắc dĩ'

Người Sài Gòn bất đắc dĩ

"Tôi là người miền Tây, quen sống cảnh ruộng đồng. Ngày trẻ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lên TP.HCM sinh sống hay lập nghiệp. Nhưng rồi do duyên số, tôi đến đây và sống bám trụ hàng chục năm trời", anh Điền chia sẻ nguyên cớ.

Người đàn ông 37 tuổi tâm sự gia đình mình là "những người Sài Gòn bất đắc dĩ", tức là sống ở thành phố này do dòng đời đưa đẩy chứ chẳng ai muốn thế. Chốn sống yêu thích của gia đình anh vẫn là ruộng vườn, sông nước miền Tây.

Anh Điền quê ở tỉnh Đồng Tháp. Vì gia cảnh nghèo khó, anh phiêu bạt mưu sinh nghề giăng bắt cá tôm ở sông Sài Gòn thoắt đã 17 năm. Hiện gia đình anh không có nhà ở, chỉ sống tạm dưới chân cầu Bà Bướm, quận 7, TP.HCM.

Người đàn ông miền Tây này từng có những năm tháng thiếu thời tươi đẹp, nhiều ký ức bên cánh đồng, vườn ao của cha mẹ. Anh cũng là người con trai duy nhất của gia đình, được người thân quan tâm và dành nhiều tình thương. Tài sản mấy mươi công đất ruộng vườn nhà khi đó anh là người hiển nhiên kế thừa.

Chuyện chẳng thể ngờ là gia đình anh làm ăn thất bại, bán hết ruộng vườn. 20 tuổi đời, anh Điền nhận thấy trách nhiệm người làm con phải xa rời mái ấm gia đình, đi làm lụng kiếm tiền tự nuôi sống và dành dụm gửi về cho cha mẹ.

Anh lên TP.HCM làm nghề bốc vác. Duyên tình đến, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Năm, người quê Nhà Bè, TP.HCM. Kể từ đó, anh Điền làm nghề giăng bắt cá tôm trên sông Sài Gòn, chị Năm phụ giúp mang cá tôm của chồng giăng được bán lẻ mỗi sáng.

Vợ chồng anh lấy nhau đã 17 năm, có với nhau 3 người con. Cuộc sống gia đình thường túng thiếu. Bữa cơm của họ thường khi đạm bạc, chỉ có gạo là mua. Cá thì anh Điền giăng bắt trên sông.

Cưới vợ, sinh con, gia đình 5 người của anh Điền sống đời phiêu bạt. 17 năm "mang tiếng" sống ở đất TP.HCM phồn hoa, nhưng đã có 15 năm gia đình anh sống dưới chiếc ghe nhỏ, đậu ở mũi Đèn Đỏ của sông Sài Gòn. 2 năm nay, mọi người chuyển về sống tạm ở chân cầu Bà Bướm.

Một ngày cuối tuần, không gian nơi ở của gia đình anh Điền rộn ràng hơn ngày thường. Hôm ấy, có vài người thân của gia đình anh đến chơi. Cũng trong ngày rộn ràng đó, 2 cô con gái My và Yến được mẹ cho tiền mua quà bánh. Đây như phần thưởng của những ngày chăm ngoan, phụ giúp cha mẹ trông em, làm việc nhà và buôn bán.

Hai chị em cùng xem tivi buổi tối.

Đã lâu ngày 2 em chưa được thoải mái ăn quà như vậy, vì tất cả thu nhập của gia đình đã dồn vào lo hết cho bữa cơm, cái mặc và chăm sóc cháu Đô bé bỏng. Chập tối, 2 cháu quây quần vui đùa trong một góc nhỏ bộn bề, rộn tiếng cười nói.

Yến rất ngại khi chúng tôi hướng máy ảnh về phía em. Lúc dùng tay che mặt, khi tìm chỗ nấp. Càng về sau, cô bé hiếu động này dễ gần hơn. Câu chuyện đời sống bình dị, vui nhộn của em cũng vì thế hiển hiện rõ ràng hơn trong chúng tôi.

Chuyện về Yến khiến người nghe không thể vui. Em gần 10 tuổi và mù chữ hoàn toàn. Mẹ em kể lúc trước có gửi em học lớp 1 ở điểm trường thuộc quận 7. Nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền đóng học phí nên Yến chỉ đến lớp có mấy hôm thì nghỉ.

Lúc mới gặp chúng tôi, Yến luôn tìm cách tránh ống kính. Yến không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Hàng ngày, em theo cha chài lưới, hoặc lội sông vớt ve chai, bắt ốc mưu sinh. Chiều muộn, 2 em tắm gội dưới dòng nước đục của nhánh sông Sài Gòn, đoạn dưới chân cầu Bà Bướm.

Cả Yến và My đều không thích người khác biết các em ở tạm dưới chân cầu. "Mình lớn rồi không sao. Các con rất mủi lòng vì đám bạn hay trêu chọc gia đình ở dạ cầu. Dù là những lời trêu đùa của bọn trẻ nhưng thấy con buồn, tôi xót dạ lắm." - chị Năm nói.

Những người sống ở khu vực gần cầu Bà Bướm cho biết, họ cảm mến và thương hoàn cảnh gia đình anh Điền vì ai cũng lương thiện và cần mẫn. "Nghèo dường như không phải là cái tội. Anh Điền và chị Năm luôn cố gắng làm nghề trên chính mồ hôi, nước mắt của mình để nuôi các con", Hiếu - một người quen nhiều năm của gia đình anh Điền cho biết.

"Nơi này nhiều rác thải, có lúc rất hôi thối. Vì gia cảnh nên tôi buộc lòng để vợ con cùng sống ở đây" - anh Điền tâm sự. Anh mong mình luôn đủ sức khỏe để làm việc, nuôi con.

Hạnh phúc từ núm ruột định từ bỏ

Còn mấy ngày nữa là con trai út Đô của hai vợ chồng được 6 tháng tuổi. Lúc chị Năm mang bầu 3 tháng đã định phá bỏ vì cuộc sống quá túng thiếu, chị nói chưa sẵn sàng để đón chào con. Nhưng rồi anh Điền an ủi vợ, làm đêm làm ngày trên sông Sài Gòn, vay thêm tiền để lo chu toàn cho 2 mẹ con.

Quyết giữ núm ruột dù cơm không đủ ăn, anh Điền đã có thêm cháu Đô kháu khỉnh. Anh luôn quấn quýt với con trai lúc rảnh rỗi, niềm vui hàng ngày là được thấy con lớn, khỏe mạnh, được đồng hành cùng con trong những năm tháng sau này.

Anh Điền không giấu được niềm vui khi nói về đứa con bé bỏng của mình. "Lúc vợ mang bầu nhà chạy gạo từng bữa, không có tiền đâu mà lo chuyện sinh nở. Nhưng rồi tôi quyết làm thêm việc, bắt thêm con cá, con tôm trên sông để lo cho con", anh nói.

Chị Năm và con quấn quýt nhau trong chiếc mùng bé xíu dưới chân cầu.

Cháu Đô đã ăn được bột, lớn nhanh và ít bệnh. Anh Điền nói đây là nhờ ơn trên thương tình, xót trước gia cảnh nghèo khó của vợ chồng anh mà độ trì khước đi những bệnh tật cho con trẻ.

Bé Đô gần 6 tháng tuổi đã ăn dặm được bột.

Những lúc không đi làm nghề, anh Điền quây quần với con trai ít khi rời. Có lần anh nói dù bận mưu sinh, lắm lúc vắng nhà, nhưng con rất cần tình cảm của cả mẹ và cha. Nghĩ thế nên hễ có thời gian là anh dành tình cảm cho con.

Sự hiện diện của đứa con trai là niềm hạnh phúc lớn của gia đình anh chị Điền.

Những đêm trắng mưu sinh

Hàng ngày, anh Điền giăng 22 chiếc lú 12 cửa ngục (lú bát quái) trên sông Sài Gòn hoặc các nhánh kênh rạch thông ra con sông này. Thời gian làm việc thường vào ban đêm.

3h sáng, khi thành phố náo nhiệt tạm yên ngủ cũng là lúc anh thức dậy, chuẩn bị dụng cụ băng ra hướng sông Sài Gòn bằng chiếc xuồng bé xíu.

3h sáng, anh Điền dùng chiếc vỏ máy nhỏ chạy ra hướng sông Sài Gòn để cuốn những chiếc lú đã giăng. Công việc này, thời gian này đã quen thuộc với anh mười mấy năm nay.

Tự nhận mình là người lãng mạn, nhiều tình cảm, anh Điền nói những chuyến đi làm xuyên đêm của anh không phải lúc nào cũng mệt mỏi.

Trên đường đi, anh thư thả ngắm nhìn những ánh đèn, những tòa nhà cao tầng của phố thị in bóng xuống lòng sông. Anh nói vui: "Đâu phải ai cũng có dịp ngắm nhìn phố thị Sài Gòn in bóng như vầy".

Với những chiếc lú, anh giăng bắt được cá, tôm, cua... Dù sản lượng không còn nhiều như những năm trước, nhưng cũng tạm để gia đình anh có thu nhập. Một đêm ròng lênh đênh, anh kiếm được khoảng 200.000-300.000 đồng.

Anh Điền cuốn lú lúc hơn 3h sáng trên sông Sài Gòn.

Trong ký ức của mình, chị Năm nghẹn ngào nhắc tới cái chết của cha chị, vốn cũng là người sống bằng nghề giăng bắt cá tôm trên sông Sài Gòn. "Đang khỏe mạnh, cha lên cơn co giật và chết dưới dòng nước sông khi đi kéo lưới. Lúc đó trời đã thật khuya", chị kể trong nước mắt.

Đêm khuya chồng đi làm, con thức giấc. Chị Năm cứ ẵm con ra vào hướng sông. Chị nói từ khi cha chị mất, chị luôn lo lắng những điều không may xảy đến với chồng trong lúc mưu sinh trên sông nước, với gió và sương lạnh buốt.

Cũng vì cái chết của người cha mà chị ít khi để anh Điền phải đi làm khuya một mình. Khi thì chị đi cùng, hoặc cháu My, 13 tuổi (con gái lớn) đi cùng cha.

Sau nhiều giờ lênh đênh trên sông Sài Gòn, anh Điền trở về với mớ cá tôm. Vợ và các con đã thức sẵn đón anh. Mọi người quây quần nhuốm lửa ở khoảnh đất gần chân cầu Bà Bướm nướng cá ăn. Gió từ sông Sài Gòn vẫn lạnh buốt, phía xa là khung cảnh nhà phố hoa lệ đối lập hoàn toàn với cảnh sống nơi này.

Mọi người nướng cá, ăn đêm dưới chân cầu Bà Bướm lúc gần 12h đêm.

Tờ mờ sáng mỗi ngày, lúc anh Điền cuốn lú xong mang cá tôm về cũng là lúc chị Năm và My lên xe máy, mang theo thứ gì giăng bắt được ra khu vực dân cư cách cầu Bà Bướm vài km để bán lẻ.

Chị Năm và con gái lớn bán lẻ cá, tôm để kiếm thêm thu nhập, thay vì bán cho thương lái giá thấp.

Hơn một lần, chị Năm thất thần nhắc lại cái chết của cha mình. Chị nói rất khó để yên tâm rằng chồng chị an toàn trong những tháng ngày mưu sinh sắp tới.

Anh Điền chặn ngay lời nói gở của vợ. Anh khăn áo băng sông và dường như chẳng đoái hoài lời trầm tư của vợ. Cứ như thế, dù anh Điền đã qua bao đêm trắng lênh đênh trên sông chài lưới, kinh nghiệm dạn dày, nhưng chị lúc nào cũng đau đáu nỗi lo.

Người đàn ông này vẫn thư thái trên suốt quãng đường sông đi về. Trong những lúc đi cùng anh trên chiếc ghe chòng chành trên sông Sài Gòn, thoáng nghe anh tâm sự đời mình quen sương gió, nhưng vợ và các con không thể mãi lênh đênh cùng anh mãi.

Người đàn ông này luôn khắc khoải ước mong có một nơi ở ổn định trên đất liền. Mong muốn ấy hay tìm về với anh trong những đêm khuya mưa nhiều, sông Sài Gòn đầy gió.


Nguồn: Báo Zing