Năm 2020 và 2022, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội diễn ra với ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba bài thi, trong đó Toán và Văn hệ số hai, cùng điểm ưu tiên. Điểm thi tối đa mà thí sinh có thể đạt là 50. Năm 2021, học sinh Hà Nội phải thi thêm môn thứ tư là Lịch sử. Cách tính điểm xét tuyển tương tự, tối đa 60.
Hiện, Hà Nội có 116 trường THPT công lập, trong đó ba trường THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân), Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) và Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021, THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất) năm 2022.
Trong ba năm 2020-2022, trừ bốn trường mới thành lập, 102/116 trường tăng điểm chuẩn trung bình môn, tương đương 87,9%. Trong đó, 11 trường THPT có mức tăng mạnh nhất, từ 0,95 đến 1,4 điểm mỗi môn. Điểm chung của 11 trường này là tăng điểm liên tục, không giai đoạn nào giảm trong ba năm này.
THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) tăng mạnh nhất, từ 5,8 lên 7,2 điểm mỗi môn. Cùng mức tăng 1,4 điểm mỗi môn là trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), từ 4,8 lên 6,2 điểm.
Hai trường THPT có mức tăng 1,3-1,35 điểm là Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín) và Phúc Lợi (quận Long Biên). Dù cùng tăng mạnh, điểm chuẩn của THPT Lý Tử Tấn vẫn dưới trung bình mỗi môn - 4,85, còn Phúc Lợi có điểm chuẩn vươn lên mức trên 7. Các trường còn lại của top 11 tăng từ 0,95 đến 1,06 điểm mỗi môn.
THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) giảm mạnh nhất với 0,6 điểm mỗi môn, nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với mức tăng cao nhất của hai trường THPT Trương Định, Đại Mỗ. Các trường Hai Bà Trưng - Thạch Thất, Ứng Hòa A, Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức A ở các huyện cùng tên có mức giảm tương đương nhau, khoảng 0,4-0,5 điểm mỗi môn. Những trường còn lại giảm nhẹ hoặc không đáng kể, dao động 0,05-0,25.
Ba trường THPT không biến động điểm chuẩn trong giai đoạn 2020-2022 là Chu Văn An (quận Tây Hồ), trung bình 8,65 điểm mỗi môn, Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) và Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa), cùng lấy 3,8 điểm.
Trong 5 năm qua, chênh lệch giữa tổng số thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội dao động từ hơn 18.600 đến hơn 31.400 em. Hầu hết tập trung ở khu vực nội thành như quận Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, số học sinh lớp 9 năm nay là hơn 129.000 em. Khoảng 72.000 em sẽ được tuyển vào THPT công lập (55,7%), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Kỳ thi vào lớp 10 bắt đầu sáng 10/6 với môn Ngữ văn, chiều cùng ngày, học sinh thi Ngoại ngữ. Ngày 11/6, thí sinh thi Toán buổi sáng, nghỉ chiều. Hai bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút, chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Thời điểm này, học sinh đang được các trường THCS hướng dẫn và luyện tập điền phiếu đăng ký dự thi. Tại phiếu này, ngoài các thông tin cá nhân, các em phải chọn trường THPT và xếp nguyện vọng. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, xếp theo thứ tự ưu tiên, vào ba trường THPT công lập. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc cùng khu vực tuyển sinh- nơi các em đăng ký thường trú, nguyện vọng ba không bắt buộc. Ngày 24/4, trường sẽ thu phiếu, sau đó nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Điểm chuẩn lớp 10 của Hà Nội được công bố vào ngày 8-9/7, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Từ ngày 18/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển bổ sung.
Nguồn: VnExpress