Xem xét mở rộng cách ly F1 tại nhà: Hiệu quả là trên hết

 “Hiện công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với TPHCM bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tại cuộc giao ban với TPHCM, sáng 12/7.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 3 ngày qua từ khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố xử phạt 1.200 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Cùng với 11 khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh thành phố quản lý, thành phố đang khảo sát, sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 khối chung cư tại Thủ Thiêm với quy mô 18.000 giường điều trị và 6.000 giường cách ly tập trung.

Từ dữ liệu gần 1.400 người có triệu chứng (đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố), Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức các nhà máy sản xuất an toàn là vấn đề cấp bách. Thành phố cần phân loại những doanh nghiệp có đơn hàng gấp để tổ chức vừa sản xuất, vừa cách ly; quản lý nơi ở, quá trình di chuyển đến nơi làm việc của từng công nhân theo chu trình khép kín.

Trước phản ánh của người dân về việc sử dụng giấy xét nghiệm khi di chuyển trên địa bàn thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu tổ chức tốt, đây là giải pháp có tác dụng phòng, chống dịch nhất định. Trong điều kiện hiện nay, TPHCM và các địa phương lân cận đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu điều chỉnh để tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa…

Liên quan đến vấn đề cách ly F1 tại nhà, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, thành phố đang triển khai phương án cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 ca mắc COVID-19 và 200.000 F1, dự kiến tăng số trường hợp F1 cách ly tại nhà. “Thành phố mong Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới đảm bảo điều kiện với sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID cộng đồng… Đối với những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư, phải đưa các F1 đi cách ly tập trung”, ông Hiệp đề nghị.

Nêu thực tế số ca mắc nhiều trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải giãn tối đa mật độ. Hiện công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà. Theo phản ánh của người dân, chuyên gia, nhà khoa học, cần tiếp tục xem xét việc điều chỉnh tiêu chí, điều kiện, quy định hiện nay về cách ly F1 tại nhà. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Y tế cùng thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để thảo luận, đưa ra hướng dẫn mới phù hợp hơn, trên tinh thần “hiệu quả là trên hết”.

Tại cuộc giao ban, các chuyên gia y tế lưu ý, người tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sau khoảng 2-3 tuần mới sinh kháng thể. Do đó, TPHCM ngoài việc tiêm cho các lực lượng nòng cốt phòng, chống dịch, không nhất thiết tiêm tập trung cho những người ở vùng dịch đang có nguy cơ lây nhiễm cao; thay vào đó, tiêm cho những người ở các “vùng đệm an toàn” và các nhà máy tổ chức sản xuất an toàn.

ÐBSCL: Sớm tổ chức “tháp ba tầng”

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 12/7 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 12 tỉnh, thành phố ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương sớm có phương án tổ chức lại hệ thống điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” (không có triệu chứng hoặc nhẹ; có triệu chứng; bệnh lý nặng) nhằm hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng và trường hợp tử vong.

Một số địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đang là điểm nóng với hàng trăm ca mắc đã được ghi nhận, buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Hiện đa số các tỉnh đang gặp khó khăn trong quản lý người về từ các địa phương có dịch (TPHCM, Bình Dương); kiểm soát các tuyến quốc lộ, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, nông sản liên tỉnh.

Về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh. Trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới, nhưng cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá công tác chuẩn bị các điều kiện chống dịch theo tinh thần 4 tại chỗ của các tỉnh, thành phố ĐBSCL chưa triệt để, đang chạy theo dịch. Dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực… Công tác phòng, chống dịch chủ yếu giao cho y tế, công an, quân đội, chưa huy động được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc.

Ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mỗi tỉnh uỷ phải có nghị quyết về tăng cường công tác phòng, chống dịch, trong đó phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Ông Tuyên lưu ý các tỉnh kết hợp hài hòa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn Tienphong