Vắc xin COVID-19 có thể được phân phối trước Giáng sinh, Mỹ hy vọng sớm chấm dứt đại dịch

Hiệu quả của vắc xin là nhất quán ở các độ tuổi và chủng tộc khác nhau - một dấu hiệu đầy hứa hẹn vì căn bệnh này gây tổn thương không cân đối với người già và một số nhóm nhất định, bao gồm cả người da đen.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin vào giữa tháng 12, Giám đốc điều hành BioNTech - Ugur Sahin nói với Reuters. Ông cho biết thêm, sự chấp thuận có điều kiện ở Liên minh châu Âu (EU) có thể được bảo đảm vào nửa cuối tháng 12.

“Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi có thể tưởng tượng rằng chúng tôi sẽ được chấp thuận vào nửa cuối tháng 12 và bắt đầu giao hàng trước Giáng sinh, nhưng thực sự chỉ khi mọi thứ diễn ra tích cực”, Ugur Sahin nói.

Tỷ lệ thành công của vắc xin do Pfizer và đối tác BioNTech phát triển cao hơn nhiều so với những gì các nhà quản lý từng nói là có thể cấp phép được (50%). Các chuyên gia cho rằng đây là thành tích đáng kể trong cuộc chạy đua chấm dứt đại dịch COVID-19.

Pfizer cho biết đã có 170 trường hợp mắc COVID-19 trong cuộc thử nghiệm với hơn 43.000 người tình nguyện và chỉ 8 người mắc bệnh được tiêm chủng thay vì dùng giả dược, đồng nghĩa vắc xin này có tỷ lệ hiệu quả 95%. Trong số 10 người bị COVID-19 nặng, 1 người đã được chủng ngừa.

Enrico Bucci, nhà sinh vật học tại Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ), nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: Chưa đầy 1 năm kể từ khi phát hiện ra coronavirus cho đến thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của một loại vắc xin, hơn nữa là dựa trên một kỹ thuật hoàn toàn mới. Hôm nay là một ngày đặc biệt".

Ugur Sahin cho biết giấy phép sử dụng khẩn cấp của Mỹ (EUA) sẽ được áp dụng vào 20.11.

Theo Reuters, một ủy ban cố vấn của FDA dự kiến nhóm họp vào ngày 8 đến 10.12 để thảo luận về vắc xin, dù thời điểm có thể thay đổi. FDA không bình luận về chuyện này.

Vắc xin COVID-19 hiệu quả 95% của Pfizer – BioNTech có thể được phân phối trước Giáng sinh">

Vắc xin COVID-19 hiệu quả 95% của Pfizer – BioNTech có thể được phân phối trước Giáng sinh.

Phân tích thử nghiệm cuối cùng diễn ra 1 tuần sau khi kết quả ban đầu cho thấy vắc xin có hiệu quả hơn 90%. Moderna hôm 16.11 đã công bố dữ liệu sơ bộ về vắc xin của mình cho thấy hiệu quả 94,5%.

“Hiện chúng tôi có hai loại vắc xin an toàn, hiệu quả cao có thể được FDA và sẵn sàng phân phối trong vòng vài tuần”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ - Alex Azar cho biết.

Các quan chức Mỹ cho biết vắc xin Moderna có thể sẽ được cấp phép trong 7 đến 10 ngày kể từ khi Pfizer nhận được EUA, với các bang sẵn sàng bắt đầu phân phối trong vòng 24 giờ.

Kết quả tốt hơn mong đợi từ hai loại vắc xin, đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA), làm dấy lên hy vọng chấm dứt đại dịch giết chết hơn 1,354 triệu người, tàn phá nền kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Tin tức này đặc biệt được hoan nghênh khi coronavirus vẫn hoành hành khắp thế giới, lập kỷ lục về các ca nhiễm mới và nhập viện gần như mỗi ngày.

Vắc xin Pfizer - BioNTech được phát hiện có hiệu quả 94% ở những người trên 65 tuổi, một nhóm đặc biệt có nguy cơ cao.

Bảo vệ 94% cho người lớn tuổi là chìa khóa. Đây là bằng chứng mà chúng tôi cần để đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ”, Andrew Hill, thành viên nghiên cứu cấp cao đang thỉnh giảng tại khoa dược của Đại học Liverpool nhận định.

Cổ phiếu của Pfizer tăng 1,6% và BioNTech tăng 3,8% tại Mỹ, còn cổ phiếu của Moderna giảm 3,6%.

Pfizer cho biết dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 triệu liều vắc xin trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người và sau đó sản xuất đến 1,3 tỉ liều vào 2021.

Mặc dù một số nhóm như nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm chủng ở Mỹ và Anh, nhưng sẽ phải mất vài tháng trước khi triển khai quy mô lớn ở cả hai quốc gia.

Hôm 18.11, Pfizer cho biết đã đề nghị cung cấp cho Brazil hàng triệu liều vắc xin trong nửa đầu năm 2021, đồng thời thỏa thuận với EU, Đức và Nhật Bản để việc phân phối vắc xin có thể bắt đầu vào năm tới.

Mike Ryan, chuyên gia cấp cứu hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết sẽ phải mất ít nhất 4-6 tháng trước khi các mức độ tiêm chủng đáng kể được thực hiện trên khắp thế giới.

Việc phân phối một mũi tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech rất phức tạp do cần phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh - 70 độ C. Tuy nhiên, vắc xin này có thể được giữ trong tủ lạnh thông thường 5 ngày hoặc đến 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.

Vắc xin của Moderna có thể được bảo quản trong tối đa 6 tháng ở -20 độ C và dự kiến sẽ ổn định trong 30 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C.

Pfizer cho biết vắc xin của mình được dung nạp tốt, các tác dụng phụ chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình và biến mất nhanh chóng. Các tác dụng ngoại ý nghiêm trọng duy nhất mà các tình nguyện viên gặp phải là mệt mỏi (3,8%) và nhức đầu (2%) sau khi tiêm liều thứ hai. Người lớn tuổi có xu hướng báo cáo các tác dụng phụ ít hơn và nhẹ hơn.

David Spiegelhalter, giáo sư và chuyên gia về truyền thông tại Đại học Cambridge, cho biết: “Đây là những kết quả phi thường và dữ liệu an toàn có vẻ tốt. Sẽ rất thú vị khi nhóm sử dụng giả dược đã báo cáo những phản ứng bất lợi nào, vì điều đó cho ta biết bao nhiêu tác dụng phụ do quá trình tiêm chủng và bao nhiêu là vì chính vắc xin”.

Trong số hàng chục hãng dược và nhóm nghiên cứu đang chạy đua để phát triển vắc xin COVID-19, dữ liệu giai đoạn cuối tiếp theo có thể sẽ từ AstraZeneca với Đại học Oxford (Anh) vào tháng 11 hoặc tháng 12. Johnson & Johnson cho biết đang đi đúng hướng để cung cấp dữ liệu trong năm nay.

Việc cấp phép vắc xin cho trẻ em sẽ mất nhiều thời gian hơn. Chỉ có Pfizer mới bắt đầu tiêm vắc xin cho những người tình nguyện dưới 18 tuổi và trẻ hơn 12. Moderna và J&J hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm vắc xin này ở những người trẻ hơn.

10 nước có số ca mắc (total cases) và tử vong (total deaths) do COVID-19 cao nhất thế giới.

Hiện Mỹ ghi nhận 11.873.727 ca mắc COVID-19 với 256.254 người chết và 7.166.996 trường hợp hồi phục.


Nguồn: Báo Người Đô Thị