Trung ương lưu ý tránh đổ vỡ dây chuyền nền kinh tế

Hội nghị trung ương lần này xác định cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để 'thích ứng an toàn, linh hoạt' hoặc 'sống chung' với dịch bệnh.

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành (BCH) trung ương khóa XIII đã hoàn tất chương trình sau ba ngày rưỡi làm việc, với các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu khái quát lại kết quả chủ yếu của Hội nghị Trung ương 4 tại phiên bế mạc sáng 7-10.

Chưa thể cải cách tiền lương theo lộ trình

Về kinh tế - xã hội, trung ương thống nhất dự báo nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021 là không hoàn thành được. Nhiều khó khăn, thách thức lớn còn có thể kéo dài trong những tháng cuối năm nay và cả năm 2022.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Điều này có thể thấy được từ tình hình kinh tế quý III, tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, kéo tụt tăng trưởng chín tháng đầu năm về còn 1,42% - thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm là 6%. Đây là tụt giảm rất sâu nếu so với sáu tháng đầu năm, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn giữ được mức 5,64%.

Cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp ban hành ba năm trước, vì vậy chưa thể thực hiện theo lộ trình.

Trung ương đánh giá nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cùng đó là nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phải đổi mới tư duy, nhận thức về phòng chống dịch

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, BCH Trung ương cho rằng cần “tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội”.

Trung ương đồng ý với dự báo năm 2022, dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến khó lường, có thể bùng phát các đợt dịch mới, với biến chủng mới, lây lan nhanh, mạnh hơn, khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Vậy nên cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

Như vậy, phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trong các giải pháp, trung ương yêu cầu cần chú trọng bảo vệ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả Nhà nước và tư nhân) mà có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Sớm xây dựng kịch bản tăng trưởng “hậu COVID-19”

BCH Trung ương yêu cầu sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu COVID-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Trong các giải pháp, trung ương lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, để lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ. Cùng đó là kịp thời đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục. Chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên.

Đang vào mùa mưa bão, vậy nên cần thực hiện tốt công tác dự báo và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần trên, BCH Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022 mà Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Những nét mới

Về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, BCH Trung ương nhấn mạnh vị thế mà Đảng đã xác lập 90 năm qua, hướng tới 100 năm thành lập (1930-2030). Trong giai đoạn mới, nhiều khó khăn, thử thách mới, cần phát huy hơn nữa truyền thống, bản chất tốt đẹp, chăm lo xây dựng Đảng thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII, với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, “kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh” và “tiêu cực” là điểm mới.

Công việc này không chỉ trong phạm vi Đảng mà mở rộng ra với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị.

Trung ương cũng bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới.

Trong đó, trung ương nhấn mạnh nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng;

Là sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc;

Là không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao;

Là không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.

Trung ương đánh giá: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/trung-uong-luu-y-tranh-do-vo-day-chuyen-nen-kinh-te-1020348.html