Tình trạng ngộ độc rượu gia tăng: Siết quản lý, tăng kiểm tra

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) kiểm tra phim chụp của bệnh nhân ngộ độc rượu methanol bị tổn thương não. Ảnh: Mai Thanh

Ngộ độc do sử dụng rượu trôi nổi

Tính từ đầu tháng 7-2020 đến đầu tháng 8-2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol. Điều đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân là nam giới, có tiền sử nghiện rượu, uống rượu nhiều năm và thường uống rượu không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu cao. Thậm chí, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL (vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng).

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân N.V.C (52 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) cho thấy, bệnh nhân tổn thương sọ não nặng. Sau 2 ngày dù đã được các y, bác sĩ tích cực điều trị, nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn chuyển nặng, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

May mắn hơn bệnh nhân C., anh V.V.C (44 tuổi, ở Bắc Giang) được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng kích thích, lú lẫn, hôn mê, giảm thị lực và được chẩn đoán ngộ độc methanol. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch. Dù giữ được tính mạng, song di chứng để lại khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng về thần kinh và thị giác.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Ngoài ra, khi uống rượu pha cồn công nghiệp, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao, nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL và bệnh nhân đã tử vong. Không ít bệnh nhân thoát chết, nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, chảy máu não…

Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 7 tháng năm 2020, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Trong tháng 7-2020, trên địa bàn quận Long Biên đã ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc rượu ở phường Ngọc Lâm. Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho biết, quận đã yêu cầu tất cả cửa hàng kinh doanh rượu phải bảo đảm được việc truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, quận đã tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu thủ công và giám định chất lượng rượu qua công tác xét nghiệm.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các loại rượu lậu được chế từ hóa chất là cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ngành Y tế sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu cho khách. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

“Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chúng tôi mong muốn cộng đồng, người dân nên hạn chế việc lạm dụng rượu, bia, không sử dụng những sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Nguyễn Quốc Tuấn khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong công tác quản lý mặt hàng rượu, Sở cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực và có trách nhiệm. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, Sở Y tế đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm… Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới