Tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm: Dễ mua, khó quản
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán. Do có nhiều kênh cung cấp, người dân dễ lựa chọn hàng hóa song cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Mối lo thực phẩm bẩn
Mua thực phẩm trên mạng xã hội đã trở thành thói quen của nhiều người. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hàng loạt tài khoản mạng xã hội rao bán thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Hàng hóa đa dạng từ đặc sản thịt trâu gác bếp Điện Biên; lạp sườn Lạng Sơn; măng khô Cao Bằng... đến bánh, kẹo, nước uống mang nhãn hiệu nước ngoài. Có người rao bán mứt trái cây, kẹo, bánh dinh dưỡng dành cho người cần giảm cân hoặc người muốn tăng cân với công thức chế biến riêng, cam kết giao hàng tận nơi, sản phẩm tươi, ngon, không hóa chất, phụ gia.
Bên cạnh thực phẩm chất lượng tốt vẫn có loại không rõ nguồn gốc; chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm về chất lượng. Thậm chí người tiêu dùng không có thông tin chính xác của đơn vị, tổ chức cung cấp sản phẩm. Hàng hóa bán trôi nổi trên mạng, nhất là đồ ăn, uống, thực phẩm khô, sấy hoặc chế biến sẵn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), chất lượng không bảo đảm. Chị Nguyễn Thị Liên, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nói: "Năm ngoái tôi đặt mua thịt trâu gác bếp từ một người bán hàng trên facebook với giá gần 1 triệu đồng/kg thế nhưng khi mua về ăn có mùi hôi, tanh nên đành phải bỏ đi". Trong tình huống mua bán hàng trôi nổi, người mua sẽ không có đủ cơ sở để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm đối với bên bán nếu sản phẩm hư hỏng, chất lượng kém.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, cơ quan công an, quản lý thị trường các cấp trong năm 2022 đã phát hiện, xử lý 294 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1,6 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án, 7 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng (như: Rượu, chân gà, bánh, kẹo, nước xốt gia vị, thịt …). Tuy vậy, số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa phản ánh hết tình hình thực tế.
Cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 khu vực huyện Yên Dũng kiểm tra cửa hàng bánh kẹo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Toàn tỉnh có hơn 23,9 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phân cấp cho các ngành Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Y tế quản lý. Ngoài ra còn hàng nghìn tổ chức, cá nhân tự sản xuất, chế biến quy mô nhỏ vẫn hoạt động dù chưa đáp ứng các điều kiện ATTP. Vì vậy, dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt song thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn trà trộn trên thị trường.
Tết Nguyên đán là dịp mọi người, mọi nhà đoàn viên, sum họp. Ngày Tết cổ truyền sẽ mất vui nếu người dân không may ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Việc sử dụng thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép còn có thể gây ngộ độc cấp tính dẫn đến tử vong, là tác nhân dẫn đến bệnh mạn tính nguy hiểm, ung thư.
Kiểm soát chất lượng sản phẩm
Để người dân đón Tết an toàn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác bảo đảm ATTP. Từ đầu tháng Chạp đến nay, Cơ sở sản xuất nem Tiến Dũng của gia đình anh Đặng Xuân Đến, ở phố Đồn, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) luôn nhộn nhịp; mỗi ngày "ra lò" 400-500 quả nem. Thời điểm này, gia đình phải huy động thêm 7-8 nhân công để kịp có hàng giao cho khách. Nem Tiến Dũng có mặt trên thị trường đã 7 năm, được nhiều thực khách trong tỉnh và nhiều nơi như: Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Được khách hàng tin tưởng, năm nay cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất song không vì thế mà lơ là khâu ATTP. Chú trọng giữ chất lượng, từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, bảo quản, hằng ngày anh Đến trực tiếp chọn thịt tươi, ngon, phải là thịt nạc, không dính gân và mỡ để bảo đảm độ dẻo, dính, nem thành phẩm có mùi vị thơm ngon đặc trưng tự nhiên.
"Mỗi con lợn chỉ cho ra được khoảng từ 7-10 kg thịt nạc ngon nhất, vì thế gia đình tôi chỉ đặt mua ở hộ chăn nuôi an toàn, quá trình sản xuất bảo đảm vệ sinh sạch sẽ; thính làm từ gạo rang theo công thức riêng, không chất bảo quản. Đặc biệt, sản phẩm xuất ra thị trường đều có nhãn mác, ghi rõ thời gian, nơi sản xuất, hạn sử dụng, đóng gói hút chân không giúp dễ vận chuyển, bảo quản được khoảng 20 ngày từ khi sản xuất nếu để trong ngăn mát tủ lạnh”, anh Đến cho biết. Các hộ sản xuất bánh chưng Vân ở Hiệp Hòa; chả giã tay ở Lục Nam; nem Liên Chung (Tân Yên); bún, bánh Đa Mai (TP Bắc Giang)… cũng đặc biệt coi trọng khâu an toàn trong quy trình sản xuất, chế biến, giữ gìn thương hiệu sản phẩm truyền thống. Vì vậy, khách quen ở xa hay gần chỉ cần gọi điện đặt mua là vài hôm sau hàng được vận chuyển về đúng địa chỉ.
Việc sử dụng thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc cấp tính dẫn đến tử vong và là tác nhân dẫn đến bệnh mạn tính nguy hiểm, ung thư.
Thực tế cho thấy bên cạnh những cơ sở uy tín, có trách nhiệm trong khâu sản xuất, chế biến thực phẩm cung ứng ra thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm như: Bánh, kẹo, mứt, măng, miến, sản phẩm từ trái cây khô, sấy… đã trà trộn, tung ra thị trường sản phẩm kém chất lượng. Hiện nay, cơ quan chức năng đang siết chặt công tác quản lý nhà nước về ATTP; Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và các huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra, tập trung vào những hàng hóa tiêu dùng nhiều trong dịp tết. Ông Ong Khắc Toàn, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 1 khu vực huyện Yên Dũng cho biết: “Thời điểm cuối năm là dịp các đối tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng cao để tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc ra thị trường, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Vì vậy, Đội tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý vi phạm”. Thực tế qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn thường ít có sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh khuyến cáo, bên cạnh sự nỗ lực kiểm soát ATTP của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu thông tin, chọn lọc và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cùng đó không sử dụng thức ăn ôi thiu, mốc hỏng, tẩm ướp phẩm màu lòe loẹt.