Tại sao người giàu Hàn Quốc không muốn mua hàng Chanel nữa?

Hiện tượng người trẻ xứ kim chi xếp hàng dài để đợi mua túi khiến các khách VIP không còn mặn mà với những sản phẩm của thương hiệu Pháp.

Giá sản phẩm của Chanel đang tăng do cơn sốt open run (mua ngay khi mở cửa hàng) và resell (bán lại). Điều này nổi lên như xu hướng tiêu dùng trả đũa sau dịch Covid-19. Việc người trẻ đổ xô đi mua túi Chanel dẫn đến việc các khách hàng VIP không còn mặn mà, thậm chí tránh mua các sản phẩm của thương hiệu Pháp, theo Edaily.

Tâm lý không muốn cầm chiếc túi đại trà

Những người giàu ở xứ kim chi thường chú trọng đến dịch vụ thân thiện họ nhận được từ nhân viên cửa hàng. Hơn nữa, họ cảm thấy hài lòng nếu sản phẩm mình mua là món đồ người khác khó tiếp cận.

Người trẻ xếp hàng để vào cửa hàng bách hóa sang trọng ở trung tâm thành phố Seoul (Hàn Quốc) sáng 10/1. Ảnh: EDaily.

Bởi vậy, việc người trẻ tích cực tham gia vào lĩnh vực tiêu dùng xa xỉ đã tạo ra quan niệm trong giới nhà giàu rằng “túi Chanel là món đồ ai cũng có thể mua được”. Theo phân tích từ các chuyên gia, việc giới nhà giàu “né” Chanel xuất phát từ mong muốn khác biệt hóa của họ.

Eun-hee Lee - giáo sư về người tiêu dùng và trẻ em tại Đại học Inha - cho biết: “Nhiều người không thích sự đồng bộ, khi các hàng hóa xa xỉ được mua một cách dễ dàng. Do vậy, gần đây cũng có xu hướng những người giàu mặc món đồ xa xỉ không có logo thương hiệu. Và họ tự hào khi mọi người vẫn biết đến sự sang trọng qua món đồ đó”.

Trong khi đó, Seong Tae-yoon - giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei – cho rằng túi xa xỉ và rượu cao cấp được làm ra để tạo sự khác biệt với những người khác. “Tính phổ biến càng tăng cao, sự hài lòng khi sử dụng sản phẩm càng ít đi. Vì vậy, người ta thường có xu hướng tìm kiếm những điều mới để có thể phân biệt mình với người khác”, ông nói.

Ngày 15/1, lối vào cửa hàng Chanel thuộc chi nhánh bách hóa Hyundai có một tấm biển đăng ký chờ đợi. Ảnh: EDaily.

Tuy nhiên, khung cảnh người trẻ xếp hàng dài để đợi tới lượt “tậu” túi Chanel đã phá vỡ phần nào khái niệm khác biệt hóa của những người giàu. Allkpop đưa tin ngày 13/1, hàng chục người vẫn xếp hàng từ sớm trước các cửa hàng Chanel tại Shinsegae và Lotte (Seoul, Hàn Quốc) trong thời tiết lạnh tới âm 13 độ C để mua túi.

Bên cạnh những người mua túi để tặng người thân hay cho bản thân, một số khác lại có ý định kiếm lời qua việc bán lại.

Sự lo ngại của Chanel

Bối rối trước hiện tượng mất lòng trung thành từ khách VIP, nhà mốt Pháp đã hạn chế việc sử dụng các cửa hàng của khách đặt trước từ ngày 1/7/2021. Người đại diện của Chanel Hàn Quốc cho biết: "Ngày càng có nhiều trường hợp khách hàng mua quá nhiều sản phẩm bằng cách ghé thăm cửa hàng liên tục. Chúng tôi đang cố gắng cải thiện trải nghiệm của khách hàng”.

Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn phàn nàn tình hình không được cải thiện. Một vị khách quen của cửa hàng bách hóa Hyundai nói với Edaily: “Tôi vẫn chưa thể vào cửa hàng một cách thoải mái. Nhìn cách cư xử của những người trước cửa hàng khiến tôi khó chịu và ghê tởm”.

Kể từ khi Chanel công bố kế hoạch điều chỉnh giá sản phẩm trên toàn thế giới vì những lý do như tăng chi phí và biến động tỷ giá hối đoái sau dịch, lối vào các cửa hàng bách hóa lớn chật cứng người. Bởi đa số người tiêu dùng muốn mua sản phẩm trước khi chúng tăng giá.

Chanel đưa ra nhiều luật đối với khách hàng nhưng nhu cầu không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Vogue.

Bất chấp sự tăng giá bất ngờ của Chanel trong năm mới, cơn sốt mua hàng vẫn đang gia tăng thay vì hạ nhiệt. Vào ngày 11, Chanel tăng giá các sản phẩm nổi tiếng như túi nắp gập Coco Handle lên 10-17%. Vào tháng 2, tháng 7, tháng 9 và tháng 11 năm 2021, hãng cũng liên tục nâng giá sản phẩm.

Đồng thời, Chanel cũng ra luật mỗi người chỉ được mua một túi trong năm để tăng tính độc quyền. Trước đó, Hermès cũng giới hạn khách hàng mua hai lần/năm. Điều này đã đánh vào tâm lý khách hàng rằng túi Hermès không chỉ có tiền là mua được. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Chanel có vẻ không thành công khi áp dụng luật này.

Anita Balchandani - trưởng bộ phận phân tích hàng xa xỉ của công ty tư vấn McKinsey - cho biết: “Các thương hiệu xa xỉ đáng mơ ước có thể làm được những gì họ muốn. Nếu muốn tăng giá để bù đắp chi phí cho đại dịch, họ có thể làm, không giống các thương hiệu cao cấp tầm trung hoặc đại chúng”.

Bên cạnh đó, chính sách chỉ được mua một túi của Chanel khó kiểm soát bởi sự phát triển của Daigou. Họ là những người đi mua sắm hộ chuyên nghiệp, ăn mặc sành điệu. Họ có mặt tại các cửa hàng sang trọng ở Rue Saint Honoré (Paris, Pháp) hay Harrods, Harvey Nichols và Selfridges (London, Anh) để “tậu” đồ. Sau đó, họ đến giao hàng với tư cách khách du lịch.

Nguồn: https://zingnews.vn/tai-sao-nguoi-giau-han-quoc-khong-muon-mua-hang-chanel-nua-post1290481.html