Siết chặt quản lý thực phẩm
Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm tăng cao, đây cũng là 'thời điểm nóng' của an toàn thực phẩm. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe gia đình mình trước nhiều nguy cơ do thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng luôn là bài toán khó đối với không ít gia đình.
Lực lượng liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Thực tế, đây là câu chuyện được bàn luận thường xuyên mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bởi thời điểm này, người dân thường tiêu thụ một khối lượng lớn các thực phẩm từ hàng tươi sống, đồ khô cho tới các sản phẩm đồ uống. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm ngày càng sôi động với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Cũng từ đây, chỉ vì mục đích cá nhân là thu được lợi ích kinh tế, mà nhiều người kinh doanh đã bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, sẵn sàng đưa những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái trà trộn vào tiêu thụ.
Giữa tháng 12 vừa qua, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một vụ vận chuyển gần 2 tấn nội tạng động vật bẩn đang trên đường di chuyển đi tiêu thụ tới các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Đáng nói, gần 2 tấn nội tạng động vật bao gồm nầm lợn và trứng non đông lạnh đang trong quá trình phân hủy. Những dấu vết ở bên ngoài thùng xốp cho thấy, toàn bộ số nầm lợn, trứng non đông lạnh này có xuất xứ từ nước ngoài.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng tại địa bàn thành phố.
Tương tự, ngày 12/12, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang cất giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực phẩm có thể bị ảnh hưởng tới chất lượng, hoặc hư hỏng dẫn tới gây bệnh cho người dùng ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn. Sử dụng thực phẩm không an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng cấp tính hoặc tích lũy các chất độc hại trong cơ thể gây nên những hậu quả khó lường về sau. Trên thực tế đã có không ít những vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí cả tử vong.
Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được tăng cường. Chúng tôi sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động. Mặc dù vậy, qua công tác thanh kiểm tra thời gian qua cũng cho thấy, một số chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, thực hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã được tăng cường hơn trước, nhưng còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. để hạn chế tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, về mặt lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Phong cho hay, trước mắt, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.
Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Hạn chế sử dụng bia rượu phòng gây ngộ độc để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc - ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Nguồn: daidoanket.vn