Qua một đêm, hơn 8.000 người vào cách ly y tế, 298 ca mắc liên quan Đà Nẵng

Ảnh minh họa: Internet

Tính đến 9h ngày 7/8: Việt Nam có tổng cộng 312 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

+ Từ 18h ngày 6/8 – 6h sáng 7/8: ghi nhận 33 ca mắc mới.

Số ca bình phục trong 24h qua: 11 ca

Số ca tử vong: 10

Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 22 ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 11 ca.

Số người cách ly: 178.451

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.870

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.106

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 148.475

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 312

Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 298 ca

trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, một số tỉnh đã xuất hiện các ca bệnh mới, tuy nhiên đều liên quan đến Đà Nẵng.

Tính từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, bắt đầu từ những ngày 26-28/7, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Theo đó những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa) số ca lây nhiễm sẽ giảm.

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương phải thực hiện thật nghiêm các chỉ đạo về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các BV phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn dịch tễ. Nơi nào vi phạm thì giám đốc BV, thủ trưởng cơ quan chủ quản của BV phải trực tiếp chịu trách nhiệm.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế đã ý thức được sự phức tạp ở Đà Nẵng nên đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung dập dịch trong cụm 3 bệnh viện, Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế sử dụng tất cả các phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020. Đồng thời, Bộ điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh. Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng.

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm 3 bệnh viện. Do vậy cần tiếp tục quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1. Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đã đi đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm 3 bệnh viện như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...

"Ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng. Công tác phòng, chống dịch không phải là câu chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Tiền Phong