Anh Văn Phương, ngụ quận 7, cho biết năm 2018 ký hợp đồng cho vay với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đây là khoản vay không lãi suất, bù lại hai con của anh được học miễn phí đến hết lớp 12 hoặc chuyển trường.
Theo hợp đồng, khi học sinh làm xong thủ tục chuyển trường hoặc tốt nghiệp lớp 12, trường sẽ trả lại số tiền đã vay sau 90 ngày.
"Con tôi đã chuyển từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được trường trả lại tiền vay", anh Phương nói. Cũng theo phụ huynh này, trường từng hai lần hứa trả nợ vào tháng 1 và tháng 5 song đều không thực hiện.
"Lúc ký hợp đồng tôi nghĩ mình cho vay thì hai con được tiếp cận giáo dục quốc tế miễn phí, đó là cái lợi lâu dài, không ngờ trường đánh mất uy tín như thế này", ông nói.
Tương tự, chị Thanh Phụng nói cho trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vay 420.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) khi đăng ký cho bốn con học tại trường. Đầu năm 2022, chị Phụng thông báo sẽ chuyển trường cho con vào tháng 6 và sẽ thanh lý 3 hợp đồng, tương ứng 300.000 USD. Nhưng đến nay, chị Phụng chỉ nhận được 10% số tiền này.
"Tôi coi đây như một khoản bảo hiểm giáo dục cho con. Nếu chẳng may gia đình rơi vào khó khăn đột xuất, việc học của con không bị ảnh hưởng", chị Phụng chia sẻ, cho biết trước đây từng ký hợp đồng tương tự với một trường quốc tế khác.
Hai phụ huynh cho biết hài lòng với chất lượng giáo dục của nhà trường, nhưng thất vọng trước cách làm việc của trường trong vấn đề tài chính với phụ huynh.
"Tôi được biết có khoảng 50-60 phụ huynh rơi vào trường hợp như mình. Số tiền mỗi người cho vay khoảng 2-10 tỷ đồng", anh Phương nói. Do bức xúc, chiều 21/9, nhiều phụ huynh đã đến cổng trường, yêu cầu bà Út Em trả lại tiền.
Trong thông báo gửi báo chí, phía trường cho biết khoản nợ học phí mà phụ huynh đang đòi thực chất là tiền đầu tư. Trường và phụ huynh ký hợp đồng đầu tư giáo dục, tiền sẽ được hoàn trả lại sau 5-15 năm học sinh theo học tại trường. Phía trường từ chối cho biết số tiền đến hạn thanh toán cho phụ huynh đến thời điểm hiện nay.
AISVN cho hay bị ảnh hưởng nghiêm trọng những năm dịch Covid-19, khi phải chi trả lương và các phúc lợi cho người lao động trong và ngoài nước. Trường thừa nhận thiếu sót trong quản trị tài chính nên phải đối mặt với các khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây.
Theo nhà trường, việc khảo sát, nắm bắt số liệu tài chính đã hoàn tất và đang chờ báo cáo đánh giá kiểm toán độc lập của bên thứ ba để làm cơ sở cho việc đàm phán với các tổ chức tài chính phù hợp, nhằm tái cấu trúc toàn bộ khoản nợ.
"Dự kiến việc tái cấu trúc được hoàn tất chậm nhất trong quý I/2024. Sau đó, trường sẽ xây dựng các phương án, cơ chế giải quyết công nợ để đảm bảo sự công bằng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, hoàn tất việc hoàn trả gói đầu tư giáo dục cho phụ huynh với phương thức trả dần", nhà trường thông tin.
Chiều 24/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thanh tra Sở đã nhận được một số đơn tố cáo của phụ huynh, trong đó nhiều người đến trực tiếp Sở để trình bày vụ việc.
"Sở sẽ có đoàn làm việc chính thức với trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vào ngày 27/9 để tìm hiểu tình hình tài chính, hoạt động và phương án giải quyết với phụ huynh", lãnh đạo Sở nói.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam là trường liên cấp từ bậc mầm non đến trung học, hiện có hơn 1.400 học sinh, 200 giáo viên nước ngoài, 300 nhân viên trong nước. Học phí ở đây dao động 280-350 triệu đồng một năm với bậc mầm non, 450-500 triệu đồng với bậc tiểu học và cao nhất là 600-725 triệu ở bậc trung học. Trường dạy chương trình tú tài quốc tế (IB).
Nguồn: Vnexpress