Phai nhạt lý tưởng sẽ rất dễ bị tha hóa

'Nếu chúng ta không có lập trường, không có bản lĩnh, không trau dồi lý tưởng chính trị của mình thì rất dễ bị tha hóa'.

Trong 92 năm kể từ khi thành lập, Đảng luôn phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Rất nhiều cá nhân và tập thể cán bộ, đảng viên trung kiên trong chiến đấu, lao động và học tập góp phần vào thành tựu to lớn của đất nước. Tuy nhiên, cũng còn có những cán bộ, đảng viên không giữ được mình, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, tiêu cực... Điều đó đã phần nào làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.

Xây dựng và chỉnh đốn đảng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ qua, đặc biệt, từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với “ngăn chặn, đẩy lùi”, phương châm mới của Đảng “chủ động” phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Đây cũng là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn băn khoăn, lo lắng: “Cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Bài học về kỷ luật cán bộ đảng viên thời gian qua cho thấy: tất cả đảng viên dẫu ở cương vị nào, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân. Đặc biệt, kiên quyết chống và bài trừ những kẻ thoái hóa biến chất, đây là việc làm lớn nhất của Đảng trong giai đoạn hiện nay nhằm chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

50 năm tuổi Đảng, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thành, nguyên cán bộ Bộ Quốc phòng cho rằng: bản thân ông không tiếc những ngày tháng hy sinh xương máu cho Đảng, cho đất nước. Vui mừng thấy sự phát triển của đất nước, nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã vượt qua nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước vấn đề của cuộc sống, xã hội hiện nay, không ít tổ chức đảng, cá nhân, thậm chí là cán bộ cấp cao của đảng vi phạm đó cũng là điều ông trăn trở nhất là sự gương mẫu để Đảng trong sạch.

“Kiên quyết chống và bài trừ những kẻ thoái hóa biến chất, đây là việc làm lớn nhất của Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân. Tôi thấy rằng, công việc này, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: không kẻ nào có thể cưỡng lại với quy luật phát triển, dưới sự phát triển của Đảng. Đó là việc làm đem lại niềm tin lớn nhất. Đảng làm được thì uy tín của Đảng rất lớn. Đó là những điều tôi mong Đảng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc triệt phá những kẻ thoái hóa biến chất” - Đại tá Trần Thành trăn trở.

Để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, rồi đến Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với “ngăn chặn, đẩy lùi”, phương châm mới của Đảng “chủ động” phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực....Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Trăn trở về những người đảng viên nắm giữ chức quyền, nếu như phai nhạt lý tưởng, xa dời mục tiêu lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân thì hậu quả sẽ khôn lường, ông Trần Hữu Huỳnh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: “Về tính phai nhạt của mỗi đảng viên, tổ chức Đảng, tôi nghĩ không giải quyết triệt để vấn đề này thì tính Đảng mất đi. Cho nên tính tiên phong, gương mẫu, đức hy sinh của mỗi đảng viên phải trở thành lý tưởng. Nếu phai nhạt lý tưởng đó thì không còn lý do gì để tồn tại, không còn tính chính danh của lãnh đạo”.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Vấn đề lý tưởng, vấn đề giác ngộ chính trị là điều hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những mặt trái của kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, vụ lợi, chạy theo đồng tiền. Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ rõ: ham danh vọng, ham chức tước, ham quyền lực. Những điều đó rất dễ bị tha hóa nếu như chúng ta không có lập trường, không có bản lĩnh, không trau dồi lý tưởng chính trị của mình thì rất dễ bị tha hóa”.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc

Không chỉ là “ngăn chặn, đầy lùi”, Đảng đã nhấn mạnh sự “chủ động”. Đây là vấn đề mới trong phương châm chỉ đạo để thực hiện của Đảng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ động tiến công quyết liệt hơn nữa như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu. Ở đây thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn nữa trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kiên quyết đấu tranh không dừng lại, không chùng lại trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong đó có tham nhũng.”

Từ sự chủ động này, năm 2021, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 15 trường hợp so với năm 2020. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81 nghìn 290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2 nghìn 286 tập thể và 6 nghìn cá nhân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng hơn 3 lần so với năm 2020.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, thời gian tới, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm đồng bộ, làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn: “Trong thời gian vừa qua khi mà Ban chỉ đạo bổ sung thêm chức năng chống tiêu cực thì có những vụ việc, vụ án, Ban chỉ đạo quyết định đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực để chỉ đạo ở mảng tiêu cực; cũng có những hành vi tiêu cực xảy ra các địa phương liên quan đến cán bộ, đảng viên, cấp ủy tổ chức Đảng đã chỉ đạo. Vấn đề sắp tới chúng ta phải làm đồng bộ, làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để việc áp dụng chức năng chống tiêu cực của Ban chỉ đạo rõ hơn, cấp ủy tổ chức Đảng cũng dễ áp dụng hơn”.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của đất nước. Nhân dân kỳ vọng vào sự chủ động của Đảng trong phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực. Vì lẽ đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ vai trò tiên phong, gương mẫu của mình để xứng đáng là người đảng viên, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.

Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/phai-nhat-ly-tuong-se-rat-de-bi-tha-hoa-post922262.vov