Phải làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ
Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý là dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật và pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của người dân.
Sáng 13/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước với tổng số gần 4.000 đại biểu tham dự.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì hội nghị.
Chưa có cơ chế đảm bảo MTTQ là nòng cốt để nhân dân làm chủ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội kỳ này phải là bước thể chế quan trọng tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.
Ông Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến, phản biện vào một số nhóm vấn đề chính: Tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật so với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; tính đầy đủ của các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thể hiện trong dự thảo Luật; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo Luật, quy định để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đưa ra cơ chế bảo đảm MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ. Bởi vậy, cần bổ sung các quy định xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật.
Còn ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước hết phải quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về MTTQ Việt Nam, về vai trò nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
“Hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đang chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xây dựng Luật giám sát của nhân dân, do vậy cơ chế về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vẫn để trong Luật Thanh tra là phù hợp. Sau khi có Luật giám sát của nhân dân, sẽ bỏ cơ chế về Thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra”, ông Thường đề xuất.
Làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ
Khẳng định dân chủ phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp, luật pháp là tối cao, nhất là trong Nhà nước pháp quyền, GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, dự thảo luật phải chú trọng làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ. Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý là dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật và pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của người dân.
GS Hoàng Chí Bảo.
Nêu lên 3 chủ thể thực hiện quyền dân chủ là người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, GS Hoàng Chí Bảo đề nghị, dự thảo Luật phải đặc biệt chú trọng vào người dân ở xã (địa bàn nông thôn, chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng dân cư). Cùng với dân chủ ở xã thì cũng không xem nhẹ dân chủ ở đô thị khi mà hiện nay một số nơi không còn tổ chức mô hình HĐND phường, HĐND quận.
“Nếu chúng ta thành công chống tham nhũng, quan liêu, thực hiện cho được các quyền của dân thì luật này sẽ có bước đột phá trong xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước”- GS. Hoàng Chí Bảo nói.
PGS.TS Bùi Xuân Đức cho rằng, thực hiện dân chủ tốt là thực hiện giám sát thật tốt ở các cấp, ngành, còn ở cộng đồng dân cư là thực hiện tốt vai trò tự quản của người dân.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ông Lê Tiến Châu nhận định, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật chưa cụ thể, rõ ràng về từng loại hình cơ sở và tương ứng với đó là những nội dung thực hiện dân chủ để tạo lập cơ chế pháp lý hữu hiệu, phù hợp đặc điểm riêng có của từng loại hình cơ sở. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thể hiện rõ hơn nữa về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở.
Toàn cảnh hội nghị.
Từ những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất cần thiết, rất quan trọng; song cũng rất khó và phức tạp, nhạy cảm. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ chia sẻ với những khó khăn, vất vả và áp lực của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật mà còn luôn sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan chủ trì để có được dự thảo tốt nhất có thể trình Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định./.
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/phai-lam-ro-moi-quan-he-giua-luat-phap-va-dan-chu-post936837.vov