Nỗ lực giữ bờ biển sạch đẹp
Nỗ lực của nhóm tình nguyện Tử tế với môi trường Quảng Ngãi trong việc làm sạch nhiều bãi biển ô nhiễm bởi rác thải đã làm thay đổi nhận thức nhiều người về gìn giữ, bảo vệ môi trường thiên nhiên
Những ngày cuối tuần giữa tháng 1-2022, dưới cơn mưa nặng hạt, hàng trăm tình nguyện viên từ nhiều nơi cùng kéo về bãi biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi tham gia dọn dẹp, thu gom rác. Họ đào xới trong lớp cát dày để tìm rác, thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý.
Tình nguyện viên tham gia dọn rác tại bãi biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi
Tử tế với môi trường
Anh Huỳnh Văn Thương - phóng viên Đài Truyền hình Quảng Ngãi, thành viên chủ lực nhóm tình nguyện "Tử tế với môi trường Quảng Ngãi" - cho biết để có cuộc ra quân này, nhiều thành viên đã tích cực chia sẻ hình ảnh về một bãi biển bị "tổn thương" do rác và kêu gọi mọi người tham gia thu dọn qua chương trình "Tử tế với Sa Kỳ". Mục tiêu của chương trình là dọn dẹp rác trên bãi biển xã Tịnh Kỳ và một phần xã Bình Châu, trả lại bãi biển sạch - xanh vốn có của tự nhiên.
Ngay sau những lời kêu gọi, hàng trăm người dân và tình nguyện viên đã chung tay. Công ty Môi trường Quảng Ngãi cũng cử lực lượng, phương tiện cơ giới hỗ trợ dọn rác. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đến khảo sát, lên phương án xử lý rác ở bãi biển Tịnh Kỳ.
Chị Nguyễn Thị Ngân, người dân địa phương tham gia dọn rác, cho biết trước đây, biển Tịnh Kỳ sóng xanh rờn, bãi cát trắng xóa. Thế nhưng, khu vực này ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng do quá nhiều rác từ biển tấp vào bờ. Cứ sau mỗi đợt lũ, rác theo nước từ thượng nguồn đổ ra biển, sóng lại đánh những mớ rác đó vào bờ. Cộng thêm việc vứt rác bừa bãi của nhiều cư dân khiến rác ở đây ngày càng dày đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
"Rác ở bãi biển Tịnh Kỳ tích tụ quá nhiều, tồn tại đã quá lâu. Vì thế, đợt đầu tiên này, các tình nguyện viên mới dọn dẹp sạch được gần 500 m bãi biển, thu gom hơn 200 tấn rác, chủ yếu là bao bì, chai nhựa... Sau Tết, chúng tôi sẽ tiếp tục có những đợt ra quân lớn hơn để dọn hết rác ở bãi biển này" - anh Nguyễn Hữu Bảo Linh, Phó Bí thư Đoàn xã Tịnh Kỳ, cho biết.
Theo anh Linh, ngoài dọn rác, các tình nguyện viên thuộc Xã đoàn Tịnh Kỳ còn vận động người dân không vứt rác, gìn giữ bãi biển sạch đẹp lâu dài; quyết tâm không để công sức thu dọn của nhiều người trở nên vô nghĩa. Anh Linh bày tỏ quyết tâm: "Chúng tôi sẽ phát động ngày Chủ nhật xanh, vận động các bạn trẻ ở xã Tịnh Kỳ tiên phong dọn rác từ biển tấp vào bãi; vận động người dân địa phương chỉ cần thấy rác là dọn vào đúng nơi quy định, không quan tâm ai xả ra".
Chị Nguyễn Thị Ngân cảm thấy băn khoăn vì nhiều người ở nơi khác tình nguyện đến Tịnh Kỳ dọn sạch bãi biển, trong khi không ít người dân địa phương thì còn thờ ơ. "Bởi vậy, hành động dọn rác của các bạn trẻ đã đánh động trách nhiệm của mỗi cư dân chúng tôi trong việc cùng chung tay giữ cho bãi biển không còn rác" - chị cảm nhận.
Một đoạn bãi biển ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi đã được dọn sạch rác
Quyết tâm thành vùng xanh du lịch
Song song với chương trình "Tử tế với Sa Kỳ", nhóm tình nguyện "Tử tế với môi trường Quảng Ngãi" còn phát động dọn dẹp, thu gom rác khoảng 1 km bãi biển, trồng hơn 5.000 cây dương liễu quanh bãi biển Mỹ Khê.
Trước đó, tháng 7-2019, nhóm tình nguyện này đã phát động chương trình "Tử tế với Sa Cần", "Tử tế với sông Trà Bồng" và làm sạch bãi biển ngập rác ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; tặng vật phẩm, vận động người dân không xả rác ra môi trường.
Chị Trần Thị Bích Trâm - giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ, thành viên chủ lực của nhóm tình nguyện "Tử tế với môi trường Quảng Ngãi" - cho biết dự án cộng đồng "Tử tế với Sa Kỳ" được phát động tiếp sau thành công của các dự án "Tử tế với Sa Cần", "Tử tế với sông Trà Bồng", thông qua việc kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức bằng nhiều hình thức. Dự án xác định người dân chính là lực lượng trung tâm để chống rác thải nhựa.
"Phương châm của nhóm tình nguyện là "Thêm một người nhặt rác sẽ bớt đi một người xả rác", nhóm hạ quyết tâm biến những "vùng đỏ" môi trường thành "vùng xanh" du lịch… Làm sao phải xử lý, dọn sạch những bãi biển bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt, rác thải du lịch trong nhiều năm qua, trả lại màu xanh cho biển. Cùng với đó, đánh động trách nhiệm ở mỗi người dân, làm thay đổi nhận thức của mọi người trong việc giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên. Bởi lẽ, bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ nguồn sống cho cộng đồng" - chị Trâm bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Mỹ Diệp, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, chưa bao giờ dự án xã hội hóa tại tỉnh này lại nhận được sự hưởng ứng, chung tay của đông đảo người dân, tổ chức, đoàn thể đến vậy. Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền, mỗi cá nhân bằng hành động nhỏ, người góp công, người góp tiền, vật dụng hay chỉ bằng một cái nhấp chuột…, tất cả góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chống rác thải nhựa.
"Để giữ gìn môi trường biển trong sạch theo hướng phát triển bền vững, việc đầu tiên là nhặt rác trên bãi biển, tạo tiền đề nâng cao nhận thức, ý thức để người dân biết phải làm như thế nào cho bờ biển sạch đẹp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động, truyền thông về môi trường cho khách du lịch; tuyên truyền để ngư dân khai thác, bảo vệ bờ biển trong lành hơn" - bà Diệp nhìn nhận.
Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/no-luc-giu-bo-bien-sach-dep-20220118202450696.htm