Những dấu ấn trong cải cách hành chính tại cửa khẩu
- Năm 2018, Cục Cửa khẩu đã tham mưu với Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét trình Chính phủ Quyết định thực hiện thủ tục BPĐT. Thưa Cục trưởng, Quyết định này đã tạo bước đột phá như thế nào trong kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, đáp ứng yêu cầu CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát XNC?
- Để phù hợp với xu thế của thế giới, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CCHC, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử, từ năm 2016, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg, ngày 3-3-2016 về thực hiện thủ tục BPĐT cảng biển. Đến nay, 36/36 cửa khẩu cảng trên toàn quốc đã triển khai thực hiện có hiệu quả thủ tục BPĐT theo cơ chế Một cửa quốc gia. Đồng thời, thực hiện Quyết định 2185/2016/QĐ-TTg, ngày 14-11-2016 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN, giai đoạn 2016-2020, năm 2018, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg, ngày 28-3-2019 về thực hiện thủ tục BPĐT tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Từ những quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong CCHC, hội nhập quốc tế, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động XNC, xuất nhập khẩu, để lại ấn tượng đẹp đối với hành khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Ngoài CCHC, việc thực hiện thủ tục BPĐT tại các cửa khẩu có hiệu quả như thế nào trong công tác phòng chống tội phạm, thưa Cục trưởng?
- Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, hệ thống cửa khẩu tiếp tục phát triển cả về số lượng, cũng như quy mô. Điều đó đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ CCHC, đáp ứng yêu cầu tạo sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho công tác XNC, xuất nhập khẩu, nhưng chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Do đó, việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin, thành tựu của khoa học kỹ thuật thực hiện thủ tục BPĐT vừa là yêu cầu mang tính cấp thiết, vừa đảm bảo cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật thông qua hoạt động XNC. Các đơn vị BĐBP cũng chủ động nắm chắc thông tin liên quan đến đối tượng XNC, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng các loại giấy tờ, hộ chiếu giả làm phương hại đến an ninh quốc gia...
- Tại một số cửa khẩu quốc tế, BĐBP đã áp dụng cổng kiểm soát XNC tự động. Việc này có tác dụng như thế nào trong việc rút ngắn thời gian, tạo điều kiện tối đa cho hành khách qua lại cửa khẩu?
- Việc kiểm soát tự động kết hợp với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, vân tay đảm bảo chặt chẽ về an ninh; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ công tác quản lý, kiểm soát XNC và tạo sự thông thoáng tại các cửa khẩu. Hệ thống cổng kiểm soát XNC thông minh sẽ sử dụng hai phương thức kiểm tra là tự động và bán tự động. Trong đó, chế độ tự động sẽ áp đụng đối với cư dân biên giới XNC thường xuyên; chế độ bán tự động áp dụng đối với hành khách XNC bằng hộ chiếu.
Khi hệ thống này đi vào hoạt động, sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách XNC từ 30 giây xuống còn 12 giây; quá trình kiểm soát nhanh, chặt chẽ, lưu trữ được dữ liệu và hình ảnh của hành khách phục vụ công tác nghiệp vụ. Đồng thời, giảm bớt người làm thủ tục (đối với chế độ tự động không cần cán bộ kiểm soát tại cổng, chỉ cần 1-2 cán bộ đóng dấu cho 3 luồng nhập cảnh bán tự động) và tạo bộ mặt làm việc chính quy, hiện đại cho cửa khẩu, phù hợp với xu thế chung của các cửa khẩu trên thế giới.
- Để tiếp tục nâng cao năng lực quản lý XNC, trong thời gian tới, BĐBP sẽ có những biên pháp nào để hiện đại hóa công nghệ quản lý XNC, thực hiện CCHC, minh bạch hóa thông tin XNC, thưa đồng chí?
- Thời gian tới, BĐBP sẽ tiếp tục CCHC, hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát XNC. Năm 2020, BĐBP sẽ hoàn thành việc thực hiện thủ tục BPĐT kết nối Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN ở tất cả các cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển. Thực hiện giai đoạn II, Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg; đánh giá kết quả thực hiện kiểm soát bằng mã vạch với giấy thông hành XNC của cư dân biên giới tại các tỉnh phía Bắc; đánh giá kết quả thí điểm kiểm soát giấy phép bằng mã vạch tại cửa khẩu cảng để tiến hành nhân rộng. Đồng thời, triển khai 17 cổng kiểm soát XNC tự động tại một số cửa khẩu quốc tế có lưu lượng hành khách, phương tiện XNC lớn. Từ đó, xây dựng hệ thống cửa khẩu chính quy, hiện đại, phù hợp với tình hình mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn: Báo Biên Phòng