Ma men, xe điên và con số 22 ám ảnh
Trong số các hành vi thiếu tôn trọng nguyên tắc cộng đồng, lái xe sau khi uống rượu bia đang dần trở thành một trong những hành vi tiềm ẩn nguy hiểm lớn nhất cho xã hội. Nó không chỉ nằm ở phạm vi đạo đức người cầm lái, nó còn thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người đi đường.
Thống kê của Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2022, đã có 22 người đi ra đường và mãi mãi không trở về, sau các vụ TNGT có liên quan tới nồng độ cồn. Những người may mắn thoát hiểm, chỉ bị thương 32 người.
Đa phần trong số họ không thể lường trước được tai họa đến từ đâu, vào thời điểm nào. Thảm họa luôn rình rập ngay cả khi họ dừng chờ chờ đèn đỏ, chờ đón con giờ tan trường, chờ đổ xăng, hoặc đang đi bộ.
Dịp cuối năm là thời điểm vàng cho các cuộc liên hoan, tổng kết, gặp mặt giao lưu, họp lớp. Nhu cầu tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn tăng cao gấp nhiều lần.
Tâm lý chủ quan, thả lỏng bắt đầu xuất hiện, những người nghiêm cẩn nhất cũng có lúc bị lung lay bởi không khí cao trào của các cuộc vui, những lần nâng ly chúc tụng.
Không ai biết được, bên trong những chiếc xe hơi kín cửa đang chạy ngoài đường kia, chiếc nào đang được điều khiển bởi một tay “ma men” ngất ngưởng nào đó.
Không cần nghiên cứu chuyên sâu, chỉ cần quan sát bằng mắt thường và nhẩm tính, số lượt xử lý vi phạm nồng độ cồn một ngày đêm của lực lượng CSGT Thủ đô cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nếu so với số lượng khổng lồ về quán bia, quán nhậu, nhà hàng hoạt động sôi nổi hàng ngày ở thành phố này.
Ảnh ghi nhận tối ngày 13/12, tại nút giao Liễu Giai – Phan Kế Bính, Hà Nội, Tổ công tác liên ngành Y1/141 của Công an TP. Hà Nội bắt đầu làm nhiệm vụ.
Tăng mức xử lý vi phạm theo Nghị định 100 ít nhiều đã có tác dụng răn đe về mặt tâm lý cho các tài xế. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người có địa vị, mối quan hệ trong xã hội vẫn bất chấp các quy định pháp luật, các quy tắc lái xe an toàn.
Khi họ vẫn có thể gọi điện nhờ can thiệp, rút thẻ chức danh nghề nghiệp, đơn vị công tác để xin bỏ qua vi phạm, họ vẫn còn tiếp tục đặt mình nằm ngoài khuôn khổ nguyên tắc cộng đồng đặt ra.
Đã có nhiều ý kiến táo bạo đưa ra nhằm hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia. Hoặc coi sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn chết người là hành vi giết người. Những đề xuất này khó khả thi trong thực tế nhưng đều có chung nhận định: lái xe sau khi uống rượu bia là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Thiết nghĩ, tăng nặng chế tài xử phạt không thôi chưa hẳn đã là biện pháp hoàn hảo. Xã hội cần lập một rào cản để khiến cho đám đông thấy rằng, tự lái xe đi uống rượu bia là một hành động bất tiện. Cần ngăn ngừa các ma men ngay từ khi họ có ý định đi uống.
Nếu các quán nhậu, quán bar, vũ trường không được phép tổ chức trông giữ xe của khách đến uống, họ sẽ phải tìm phương tiện thay thế.
Nếu lực lượng thực thi công vụ xử lý nghiêm minh, không nghe bất cứ một cuộc điện thoại can thiệp nào, người vi phạm sẽ không “nhờn luật”.
Nếu việc kiểm soát quảng cáo, mua bán đồ uống có cồn được thực hiện chặt chẽ, trẻ em, thanh thiếu niên sẽ không dễ dàng tiếp cận, sao chép hành vi lạm dụng rượu bia.
Ngược lại, người vi phạm vẫn sẽ có lý do để tặc lưỡi cho qua. Động lực thúc đẩy họ thay đổi hành vi vẫn là những tác động từ bên ngoài, không phải từ sâu trong nhận thức và nội tâm.
Thiếu cơ chế, rào cản về mặt pháp luật, văn hóa, đạo đức, quy tắc xã hội, con số 22 người thiệt mạng trên đường phố Thủ đô trong năm qua cũng không đủ để thức tỉnh những “ma men” sau tay lái./.
Nguồn: vov.vn