Ly kỳ: Lấy phổi, gan, thận, tim, cẳng tay của một người ghép cho 6 người khác

Ngành ghép tạng Việt Nam lại vừa ghi dấu ấn khi khực hiện ca lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cùng lúc hồi sinh sự sống cho 5 bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối và mang lại diện mạo mới cho chàng trai 18 tuổi.

Được nhận những lá gan, lá phổi, quả tim, thận từ một người dưng, gần 2 tháng sau ca ghép tạng sức khỏe của tất cả 6 bệnh nhân đều đã ổn định.

Theo GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngày 16-9 vừa qua là ngày "kỷ lục" của Bệnh viện 108 khi 12 bàn mổ thực hiện lấy tạng từ 1 thanh niên chết não hiến tặng rồi ghép cùng lúc cho 6 bệnh nhân khác.

Hơn 150 bác sĩ và nhân viên y tế đã được huy động để lấy ghép những mô, tạng được hiến từ thanh niên chết não cho 6 bệnh nhân khác nhau.

Các bác sĩ đã ghép hai phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp. Hai thận được ghép cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đặc biệt, hai cẳng bàn tay người hiến được ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả hai cẳng tay do tai nạn chất nổ.

Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia lấy và ghép tim cho 1 bệnh nhân bị viêm cơ tim thể dãn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Việt Đức.

5 bệnh nhân ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện 108. Còn trái tim đã được chuyển qua Bệnh viện Việt Đức để ghép cho 1 bệnh nhân viêm cơ tim giai đoạn cuối. Đặc biệt, ca ghép phổi có sự phối hợp từ đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương...

Đây là lần thứ tư Bệnh viện 108 thực hiện song song việc lấy và ghép tạng cho bệnh nhân ngay tại bệnh viện. Các ca lấy, ghép được thực hiện vào ngày 16-9, đến nay những bệnh nhân nhận tạng đều có sức khỏe ổn định.

"Kể từ thời điểm gia đình đồng ý hiến tạng chúng tôi có 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và hơn 10 tiếng cho ca lấy, ghép đa mô tạng. Ban Giám đốc Bệnh viện 108 đã chỉ đạo sâu sát quyết liệt, huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của bệnh viện và có sự tham gia của Bệnh viện Phổi Trung ương. Đây thực sự là một "trận đánh lớn" đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện rất chặt chẽ"- GS-TS Mai Hồng Bàng chia sẻ.

Bệnh nhân được ghép phổi là một người đàn ông 54 tuổi, được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát từ hai năm nay. Đây là loại bệnh lý gây xơ hóa phế nang và mô kẽ của phổi dẫn đến cơ thể bị thiếu ôxy nghiêm trọng. Do đó, ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh.

Ghép phổi được đánh giá là một trong những thách thức, khó khăn trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Ca ghép gan từ người cho chết não lần này là ca ghép gan thứ 51 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 14 ca ghép gan cấp cứu lấy từ người cho sống trong điều trị suy gan cấp.

Trong số các ca lấy ghép đa mô tạng lần này, lần đầu tiên các bác sĩ đã ghép thành công đồng thời 2 cẳng tay cho một nam thanh niên 18 tuổi.

Đây là ca ghép chi thể thứ hai được thực hiện tại bệnh viện, sau thành công của ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống được thực hiện tại bệnh viện vào tháng 1-2020.

Với thành công này của y - bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ghép cùng lúc 2 cẳng tay cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được ghép là một người 18 tuổi, bị tai nạn chất nổ khi làm thí nghiệm hóa học cách đây 3 năm khiến 2 cẳng tay bị giập nát, không còn khả năng phục hồi, phải cắt cụt.

Sau khi bị cắt cụt cả 2 cẳng tay, không những sinh hoạt hàng ngày của em vô cùng bất tiện mà ngay cả giấc mơ được tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường để học tập và trở thành người có ích cho xã hội cũng không còn...

Kể từ đó, em lúc nào cũng đau đáu giấc mơ có đôi tay lành lặn để tự phục vụ bản thân và có được cuộc sống bình thường như bao người khác.

Với trình độ chuyên môn cao cùng những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể y - bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, giấc mơ của em đã trở thành sự thật.

Theo GS-TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108, người chủ trì ca phẫu thuật ghép tay cho nam thanh niên 18 tuổi, ca ghép chi thể lần thứ 2 tại Bệnh viên 108 được thực hiện trong 8 giờ - chỉ bằng 1/2 thời gian so với ca ghép tương tự ông từng có cơ hội thực hiện ở Đức.

Không giống như ghép gan hay thận, ghép chi thể liều lượng thuốc phải sử dụng nhiều hơn, mạnh hơn, nên phải cân nhắc cẩn thận từng liều lượng, thời điểm sao cho phù hợp.

Sau 3 tuần ghép đôi tay, bệnh nhân đã được ra viện chờ phục hồi chức năng.

Các bác sĩ đánh giá thời gian phục hồi sẽ kéo dài từ 1 - 1,5 năm và khả năng phục hồi tới 80-90% như ban đầu.

"So với ca ghép tháng 1-2020, ca ghép này có những điểm khó khăn hơn đó là người hiến tay và người nhận khác nhóm máu (người hiến tạng nhóm máu O, người nhận nhóm A). Cùng với đó là tình trạng khuyết thiếu chi thể nặng hơn, ca ghép lần này ghép từ gần khuỷu tay, trong khi lần trước khuyết phần bàn tay, do đó khối lượng chi thể cần ghép nhiều hơn"- GS-TS Hoàng chia sẻ.

GS-TS Mai Hồng Bàng cho biết ghép chi thể khó hơn nhiều so với ghép tạng vì có rất nhiều tổ chức khác nhau như là xương khớp ra mạch máu thần kinh và nguy cơ thải ghép rất cao. Đặc biệt là kỹ thuật vi phẫu thuật mạch máu thần kinh là kỹ thuật rất khó và đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ.

Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật trồng nối chi thể cũng như ghép chi thể được coi là kỹ thuật đỉnh cao nhất.

Với việc thực hiện thành công ca mổ ghép chi thể từ người cho còn sống, các bác sĩ Bệnh viện 108 đã giúp nâng cao vị thế của y học Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Đến nay, các bệnh nhân ghép phổi, ghép gan, ghép thận, ghép tim đều đã ra viện.

Được hồi sinh cuộc đời thêm lần nữa, tất cả đều gửi lời tri ân sâu sắc về nghĩa cử cao đẹp của người hiến và gia đình, tự hứa sẽ trân quý phần thi thể và tri ân lại cuộc đời.

Riêng nam thanh niên với hai bàn tay được ghép thành công ngoài mong đợi, vết ghép 2 cẳng tay đã liền sẹo, tưới máu tốt.

Hiện bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu và mong muốn sẽ tiếp tục việc học trong thời gian tới. "Nhìn 2 cánh tay bắt đầu hoạt động được, em tưởng mình vẫn đang còn trong giấc mơ"- nam bệnh nhân chia sẻ.


Nguồn: Báo Người Lao Động