Kháng thể chống Covid-19 sắp sẵn sàng

Nghiên cứu kháng thể tại công ty Trị liệu Sorrento, chụp ngày 22/5/2020. Ảnh: Reuters.

Trong khi thông tin về vacxin đã tràn ngập nhưng biện pháp hoàn bị nhất trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 có thể lại đến từ nhóm liệu pháp công nghệ sinh học vốn đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư và các bệnh rối loạn tế bào khác. Đó là các kháng thể được “thiết kế” đặc biệt hữu hiệu trước SARS-CoV-2.

Việc phát triển các kháng thể đơn dòng đang thu được kết quả tích cực tại một số phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới. Nhận xét về thông tin này, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm nổi tiếng của Mỹ cho rằng đó là “giải pháp chắc chắn nhất” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trong khi đó, giới khoa học cũng đang tìm hiểu vai trò chính xác của kháng thể trung hòa sau khi chống chọi được Covid-19. Họ, cùng các nhà sản xuất dược phẩm tin rằng, kháng thể là cách đúng nhất để đánh bại vĩnh viễn Covid-19, giờ chỉ là tìm ra loại có hiệu lực nhất.

“Kháng thể có thể ngăn chặn nhiễm trùng, điều đó không ai bác bỏ được”, Christos Kyratsous - giám đốc hãng dược Regeneron nói với Reuters.

Khi một virus xâm nhập qua hệ thống phòng vệ đầu tiên của cơ thể con người, các cơ chế phản kháng khác sẽ tự động kích hoạt, kích thích sản sinh ra các tế bào nhằm vào kẻ tấn công. Trong số này có các kháng thể, nếu đủ mạnh chúng sẽ nhận biết và khóa cứng virus, ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Kháng thể đơn dòng - sinh trưởng trong các máy sinh học chuyên dụng - là bản sao của kháng thể tự nhiên - sẽ sản sinh ra protein.

Regeneron đang thử nghiệm tập hợp 2 kháng thể bởi họ tin rằng giải pháp này sẽ hạn chế tốt hơn khả năng virus “đào thoát” nếu chỉ dùng một loại kháng thể. Hãng tự tin kết quả sẽ có ngay cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu tới. “(Phải nhanh) bởi hiệu lực sẽ suy yếu dần theo thời gian khi mà liều lượng cần đủ chúng ta vẫn chưa rõ”, ông Kyratsous nói.

Hồi tháng 6, Regeneron đã được chính phủ Mỹ trao cho gói thầu trị giá 450 triệu USD cung cấp kháng thể. Đầu tháng 8 này, họ khẳng định khâu sản xuất sẽ sẵn sàng ngay lập tức tại nhà máy ở Mỹ một khi các thủ tục đăng ký được chấp thuận.

Để sẵn sàng hỗ trợ, các hãng dược Eli Lilly, AstraZeneca, Amgen và GlaxoSmithKline cũng đã được chính quyền cấp phép tham gia huy động nguồn lực để sản xuất kháng thể. Việc hợp tác giữa các đối thủ dược như vậy là hiếm gặp trong tình huống thông thường.

Trong khi đó, AstraZeneca cũng vẫn có chương trình nghiên cứu kháng thể “kép” của riêng họ và sẽ đưa vào thử nghiệm trên người trong vài tuần tới. Lilly thì đã thử nghiệm từ tháng 6 loại thuốc riêng, nhưng cách tiếp cận của hãng là dòng kháng thể đơn vốn đang bị giới khoa học nghi ngờ chưa đủ hiệu lực.

“Nếu muốn dùng liều cao hay nhiều lượng kháng thể hơn, điều đó có nghĩa sẽ ít bệnh nhân được điều trị hơn”, khoa học gia trưởng của Lilly bảo vệ cách tiếp cận kháng thể đơn trước các nghi ngờ.

Không giống vacxin vốn có công dụng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể, kháng thể được đưa vào cơ thể sẽ từ từ đánh tan bệnh.

Tuy vậy, các hãng dược kỳ vọng kháng thể đơn dòng vẫn tạm thời ngăn chặn được tỷ lệ và số lượng nhiễm bệnh gia tăng nhanh hiện nay. Kể cả trong trường hợp có công dụng chưa cao, kháng thể đơn dòng vẫn là liệu pháp tạm thời hữu hiệu trước khi có vacxin để ngăn chặn dịch lây lan.

Có kháng thể là tin tốt, nhưng có thể không phải ai cũng có thể tiếp cận bởi chi phí khá cao. Để so sánh, kháng thể điều trị ung thư hiện nay có chi phí lên đến 100.000 USD/năm.


Nguồn: Báo Nông Nghiệp