Từ 1/11, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt bắt đầu hoạt động, trên cơ sở hợp nhất Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt được thành lập theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Công ty có 8 phòng, 17 chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại TP HCM, trong đó có 4 chi nhánh toa xe, 2 chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt và 11 chi nhánh vận tải đường sắt. Số lao động trong toàn công ty là hơn 4.800 người.
HĐQT có 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hoan làm Chủ tịch, Ban điều hành có 5 thành viên do ông Đào Anh Tuấn làm Tổng giám đốc.
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty được hợp nhất sẽ giúp bộ máy tinh gọn và đạt hiệu quả, giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm bớt các bộ phận trung gian và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hạ giá thành vận tải.
Việc sáp nhập cũng giúp tăng được doanh thu cho đơn vị, tăng thu nhập người lao động, sử dụng được các cơ sở vật chất của hai công ty hiệu quả.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tái cơ cấu. Ảnh:VNR
Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới tình hình hoạt động vận tải hiện nay.
Trước mắt, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sẽ tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện để tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển. Công ty sẽ thực hiện các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, từng bước thu nhập cho người lao động và phấn đấu mở rộng thị phần vận tải đường sắt cả về hành khách, hàng hoá.
Các cổ đông của hai Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn trước đây sẽ trở thành cổ đông của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt, ngoài được hưởng những lợi ích gia tăng từ việc hợp nhất, các cổ đông sẽ thuận lợi đánh giá chuyên sâu đối với hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt và thị trường vận tải.
Cuối tháng 4, hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Cả hai đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty. Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty cổ phần vận tải Đường sắt, viết tắt là VRT, vốn điều lệ là 1.303 tỷ đồng.