Hành trình tìm con của người đàn ông không có tinh trùng
Người đàn ông bị quai bị, dẫn tới tình trạng vô tinh - tức không có tinh trùng trong tinh dịch, nên không thể sinh con như thông thường.
Ngày 29-5, Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản và hội thảo tổng kết “Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2022”.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, giám đốc BV, cho biết 10 năm tuy không quá dài nhưng với những người gắn bó chuyên ngành hỗ trợ sinh sản, đây là một chặng đường đầy thử thách, trăn trở và tự hào.
Sự tự hào ấy được thể hiện qua từng năm, khi tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân hiếm muộn, nhất là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), ngày càng tăng.
“Có rất nhiều ca bệnh hiếm muộn khó điều trị, đã khám và điều trị tại nhiều nơi mà không thành công, nhưng khi được điều trị bằng phác đồ phù hợp của bệnh viện, tỷ lệ thành công lên tới 65-70%” – ông Lợi cho biết.
Vợ chồng anh Đạt vui mừng bên cô con gái là thành quả của sự can thiệp từ y học. Ảnh: M.T
Cũng suốt 10 năm qua, trong số hàng ngàn bệnh nhân hiếm muộn được điều trị thành công, nhiều cặp vợ chồng rất đặc biệt bởi câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho sự kỳ diệu của y học mà còn là nguồn động lực to lớn tiếp thêm hi vọng cho những người hiếm muộn khác.
Điển hình là gia đình chị Đỗ Thị Thu và anh Ma Minh Ngọc (quê Nam Định). Anh Ngọc mắc hội chứng Klinefelter. Nam giới khi mắc hội chứng này thường bị suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh.
Vợ chồng anh Ngọc tưởng chừng không thể sinh được con. Cuối cùng, nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE và thực hiện IVF với trứng của vợ, cuối cùng vợ chồng anh đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.
Hay gia đình chị Tống Thị Thu Hà và anh Trần Khắc Đạt (trú Phú Thọ). Cả hai đều kết hôn lần hai, đã có con riêng với chồng/vợ trước. Tuy nhiên, khi kết hôn với nhau, anh bị quai bị nên khi đi khám, bác sĩ phát hiện tình trạng vô tinh - tức không có tinh trùng trong tinh dịch.
Khi con riêng của chị Hà mất, hai vợ chồng quyết định sinh con chung để củng cố thêm tình cảm. Thế nhưng, anh đi khám và bác sĩ thông báo mình không thể có con theo cách thông thường.
Sau thời gian dài kiên trì chữa trị, anh được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese để làm thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của vợ. Kết quả, cả hai đã sinh được một bé gái.
Hoặc như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ và anh Hà Khánh Cương (trú tại Thái Nguyên) không may cả hai mang gen Thalassemia, khả năng cao sinh con tự nhiên sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ.
Anh chị đã được bác sĩ tư vấn thực hiện IVF, đồng thời áp dụng chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khỏe mạnh.
Cũng tại hội thảo, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổng kết chương trình Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2022. Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp về tài chính.
Nguồn: https://plo.vn/hanh-trinh-tim-con-cua-nguoi-dan-ong-khong-co-tinh-trung-post682217.html