Grab đối diện nguy cơ sa thải hàng loạt, tài xế 'bình chân như vại'

Các biện pháp cắt giảm chi phí gần đây được thực hiện bởi siêu ứng dụng đa dịch vụ Grab là một động thái cần thiết đối với tình hình tài chính của công ty.

Hôm 14/12, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Grab Anthony Tan đã gửi một bản ghi nhớ tới các nhân viên của mình, phác thảo các biện pháp mới nhất của công ty nhằm cắt giảm chi phí trong bối cảnh suy thoái vĩ mô.

Các biện pháp bao gồm đóng băng đối với hầu hết các đợt tuyển dụng, ngừng tăng lương cho các vị trí quản lý cấp cao và cắt giảm chi phí và ngân sách đi lại. Nội dung này đã được người phát ngôn của công ty có trụ sở ở Singapore xác nhận.

Lần cuối cùng công ty niêm yết trên sàn Nasdaq thực hiện một đợt cắt giảm đáng kể là vào năm 2020, khi công ty sa thải 350 nhân viên.

“Vấn đề sống còn”

Các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ khả năng Grab sẽ tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi phí khác trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong thời gian tới.

“Tôi thấy những quyết định khó khăn mà Grab và một số công ty khác đang đưa ra. Về cơ bản, đây là những quyết định có thể nói là sống còn đối với họ”, Phó Giáo sư Walter Theseira tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết.

Grab vẫn chưa đạt được lợi nhuận kể từ khi được thành lập vào năm 2012. Tập đoàn này đã huy động được khoảng 4,5 tỷ USD khi niêm yết trên Nasdaq vào tháng 12/2021 thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Grab vẫn chưa đạt được lợi nhuận kể từ khi được thành lập vào năm 2012. Ảnh: Grab

Công ty đã ghi nhận khoản lỗ 3,6 tỷ USD trong năm tài chính 2021 từ mức 2,7 tỷ USD một năm trước đó, trong khi doanh thu tăng 44% lên 675 triệu USD so với cùng kỳ.

Trong buổi công bố thu nhập quý III vào tháng 11, Grab đã nâng doanh thu dự báo trong năm lên từ 1,32 đến 1,35 tỷ USD.

Trong khi đó, theo một báo cáo công bố ngày 24/11 của DBS Group Research, doanh thu năm 2022 và 2023 của Grab được dự báo ở mức lần lượt là 1,33 tỷ USD và 1,98 tỷ USD, với khoản lỗ ròng tương ứng là 1,22 tỷ USD và 794 triệu USD.

Sa thải là không thể tránh khỏi?

Các nhà phân tích nhìn chung đều nhất trí rằng đối diện với những bất ổn phía trước, các công ty, bao gồm cả Grab, có thể sẽ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Việc sa thải là điều không phải bàn cãi.

Giáo sư, tiến sĩ Sumit Agarwal tại Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Singapore cho biết “năm tới vẫn sẽ là thời điểm khó khăn” đối với các công ty công nghệ, do đó có khả năng Grab sẽ phải cắt giảm số lượng nhân viên để tiếp tục cắt giảm chi tiêu.

“Chỉ cắt giảm các chi phí khác sẽ không đủ để họ phục hồi giá cổ phiếu của mình. Khi mọi thứ trở lại bình thường vào năm 2024, Grab sẽ bắt đầu tuyển dụng lại”, ông nói thêm.

Trong khi đó, Giáo sư Lawrence Loh, đồng nghiệp của Giáo sư Agarwal có quan điểm lạc quan hơn.

“Tôi nghĩ rằng họ sẽ có thể vượt qua thời điểm thử thách này mà không phải sa thải quá nhiều nhân viên”, ông nói, đồng thời trích dẫn “nguồn lực dồi dào” và vị thế vững chắc của công ty trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe.

“Không nằm ngoài dự tính”

Trong khi đó, hầu hết hành khách và tài xế của Grab cho biết, họ không lo lắng về các biện pháp cắt giảm chi phí của công ty. Một số người còn nói rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì các công ty công nghệ khác đang thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự.

Tài xế Grab chờ đơn hàng bên ngoài nhà bếp của công ty tại Singapore. Ảnh: Forbes

“May là họ thắt chặt chi tiêu trong văn phòng chứ không cắt giảm các ưu đãi và thu nhập của chúng tôi”, một tài xế ở độ tuổi 50 cho biết.

Một tài xế khác cho biết, ông hơi lo ngại rằng công ty có thể tiếp tục giảm các ưu đãi cho tài xế hoặc hành khách để cắt giảm chi phí trong tương lai.

Các tài xế đều nhận thấy thu nhập của mình giảm ít nhất trong năm qua, có thể là do ít chuyến đi hơn do nhu cầu yếu hơn, hoặc nền tảng đưa ra ít chương trình khuyến mại hơn.

“Số Ngọc (một loại điểm thưởng dành cho tài xế) hàng ngày trên mỗi chuyến đi của chúng tôi đã bị khấu trừ gần 80%”, Recca Soo, một nhân viên ngân hàng cho biết.

Kể cả khi các tài xế lo lắng về thu nhập của mình, họ cũng không dễ dàng chuyển sang các nền tảng khác.

“Tài xế kiếm tiền hoa hồng dựa trên cấp bậc, việc hoàn thành chuyến đi, v.v. Nếu bạn chuyển sang một nền tảng mới, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu ở cấp độ thấp hơn, điều đó không đơn giản”, Lester Liao, một tài xế 38 tuổi cho biết.

 

Nguồn: nguoiduatin.vn