Giật mình với số người người chết vì 'tai nạn giao thông' trên... Facebook

Chiêu trò tag 100 người để đánh cắp Facebook quay trở lại

Vài ngày trở lại đây, nhiều người dùng Facebook gặp phải tình trạng thường xuyên bị gắn thẻ tên vào các bài đăng không rõ nguồn gốc.

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Hà Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ cuối tuần trước đến nay, chị đã bị gắn thẻ đến 4 lần. Điều đáng nói là các bài đăng này đều có nội dung liên quan đến việc ai đó bị tai nạn giao thông.

“Lúc đầu tôi tưởng bạn bè, người thân gắn tag mình, nhưng khi nhấn vào phần thông báo để xem nội dung, tài khoản gắn thẻ tôi lại là một người hoàn toàn xa lại. Nhận thấy có điều bất thường, tôi bỏ qua ngay vì sợ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo”, chị Ngân nói.

Người dùng mạng xã hội liên tục bị gắn vào các bài đăng có nội dung về các vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Trọng Đạt

Những lo lắng của người dùng này là hoàn toàn có cơ sở bởi đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất trên Facebook hiện nay.

Ở trò lừa đảo này, kẻ gian thường sử dụng những nội dung gây tò mò để thu hút sự chú ý của người đọc. Đó có thể là một chương trình khuyến mại hấp dẫn, vui chơi có thưởng và phổ biến nhất hiện nay là thông tin về một người nào đó bị tai nạn giao thông.

Trong mô típ lừa đảo liên quan đến tai nạn giao thông, nạn nhân trong câu chuyện thường sở hữu một cái tên phổ biến mà hầu như bất cứ ai cũng quen biết những người có tên gọi như thế.

Mục đích cuối cùng của kẻ lừa đảo là dẫn dụ người dùng click vào một đường link có trong bài viết. Để khiến người xem tin tưởng hơn, kẻ lừa đảo sẽ ngụy trang đường link của mình dưới hình ảnh của những tờ báo lớn và có uy tín.

Khi click vào đường link này, một thông báo sẽ hiện ra yêu cầu người dùng phải đăng nhập tài khoản Facebook, Google. Nếu làm theo các yêu cầu trên, người dùng Facebook sẽ trở thành nạn nhân khi tự trao cho kẻ xấu mọi thông tin đăng nhập.

Ngoài nguy cơ mất tài khoản Facebook, nạn nhân trong vụ việc kể trên có nguy cơ bị lộ lọt các thông tin đời tư cá nhân, hình ảnh nhạy cảm,... Không chỉ vậy, kẻ xấu còn có thể thông qua tài khoản của nạn nhân để lừa đảo vay tiền bạn bè họ.

Dấu hiệu nào để nhận biết bài đăng lừa đảo?

Thông thường, những bài đăng lừa đảo có mô típ khá quen thuộc, với nội dung khơi gợi sự tò mò của người dùng. Những bài đăng này thường đi kèm với một đường link dẫn đến một trang web khác. Đây là đặc điểm đầu tiên mà người dùng cần chú ý.

Người dùng cũng cần lưu tâm khi bị tag bởi bất cứ tài khoản xa lạ nào. Nếu thấy số lượng người bị gắn thẻ lên tới 99 người, tuyệt đối không ấn vào đường link bởi đó gần như chắc chắn là một nội dung lừa đảo.

Người dùng cần nâng cao cảnh giác với các bài đăng có cả trăm người bị gắn thẻ. Ảnh: Trọng Đạt

Trong trường hợp vô tình truy cập vào một đường link nào đó từ Facebook, người dùng không nên đăng nhập tài khoản của mình khi nhận được yêu cầu, dù là với website nào.

Thực tế cho thấy, kẻ xấu rất hay sử dụng một trang web giả có giao diện như thật để đánh cắp các loại tài khoản, đặc biệt là tài khoản Facebook, ngân hàng,... Do vậy, người dùng chỉ nên đăng nhập các tài khoản nhạy cảm khi tự mình chủ động truy cập vào trang web của các dịch vụ đó.

Để cẩn thận hơn, với những website liên quan đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, người dùng nên gắn sao (bookmark) các trang web này lên thanh dấu trang của trình duyệt.

Khi ai đó hỏi vay tiền bạn trên Facebook, chớ vội tin tưởng mà hãy gọi trực tiếp tới người đó (hoặc thông qua một ứng dụng khác Messenger) để kiểm chứng lại thông tin này.

Chỉ cần làm đúng theo các chỉ dẫn kể trên, người dùng Facebook đã có thể tự mình hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Nguồn VietnamNet