Đến quán nhậu cũng đứt nguồn cung

Gần đây, nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá, có loại cao đến mức nhà hàng phải ngừng kinh doanh vì đứt nguồn cung.

Tại Hà Nội, nhiều chủ nhà hàng đang đau đầu lo nguồn cung bị đứt, liên tục phải xoay xở tìm nguồn hàng bổ sung mà chưa được.

Ông Quốc, chủ nhà hàng lẩu mắm, lẩu cá kèo Cần Thơ Quốc Châm ở Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết quán của ông đang liêu xiêu vì giá cá kèo không chỉ tăng cao chóng mặt mà nguồn cung còn rất hạn chế. Hiện, trước áp lực của giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển cũng đội lên, giá cá kèo đang tăng gấp nhiều lần so với cách đây khoảng gần 2 tháng. Trước đó, giá nhập cá kèo chỉ khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg mà bây giờ là 450.000 - 500.000 đồng/kg, đắt gấp 3 lần.

Bây giờ ai có cá kèo bán, dù đắt tôi cũng nhập miễn là có hàng để phục vụ khách, chứ để tình trạng đứt nguồn cung kéo dài như thế này thì quán tôi mất hết khách”, ông Quốc nói.

Tương tự, Ông Trần Huy Trung, chủ 3 nhà hàng lẩu cá kèo Hoàn Châu tại Hà Nội cũng lo lắng vì tình trạng khan hiếm cá kèo khiến công việc kinh doanh của ông khó khăn hơn trước gấp nhiều lần. "Cả 3 nhà hàng mà mỗi ngày tôi chỉ nhập được 5kg cá kèo thì không hiểu bán kiểu gì”, ông Trung than.

Hiện dù không tăng giá bán nhưng quán của ông Trung phải giảm lượng cá kèo trong mỗi nồi lẩu để cân đối với mức giá mới.

Khách gọi lẩu cá kèo, chúng tôi nói luôn rằng một nồi lẩu vẫn có giá 350.000 đồng nhưng chỉ có 8 con cá kèo thay vì 16-17 con như trước, khách nào đồng ý thì ăn, còn không thì chúng tôi tư vấn ăn món khác”, ông nói thêm.

Ông Trung cho biết, khách tới nhà hàng ăn lẩu cá kèo chỉ được ăn một phần (8 con cá kèo) chứ gọi thêm nhà hàng cũng không bán. "Trước đây khách ăn lẩu cá kèo chúng tôi còn khuyến khích khách gọi thêm cá, còn bây giờ chúng tôi lại xin khách là đừng gọi thêm vì làm gì có đâu mà bán".

Ông Nguyễn Hồng Thái, chủ nhà hàng Ngư Quán (Cầu Giấy, Hà Nội) thông tin, hiện giá nhập các loại cá đã tăng 20-25% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. “Giá nguồn cung tăng liên tục, không tăng giá bán thì không có lãi, mà tăng giá thì lại mất khách, cứ đà này thì việc kinh doanh không biết còn khó khăn đến bao giờ", ông Thái nói.

Hầu hết các món chim, gà vịt, đều tăng giá.

Các món về gia cầm cũng lũ lượt đội giá khiến không ít quán nhậu phải hạn chế nhập hàng. Ông Hùng, chủ quán Tổ Chim (Hà Đông, Hà Nội) cho biết giá nhập các loại chim hiện tăng 10-15% so với cách đây 2 tháng. Trong đó chim bồ câu là tăng mạnh nhất, khoảng 30%. Sau đó là vịt cổ xanh tăng giá khoảng 20%.

Chim bồ câu trước nhập 70.000 đồng/con thì bây giờ là 100.000 đồng, đắt hơn khoảng 30%. Vịt cổ xanh thì cũng đắt hơn khoảng 20%, từ 200.000 đồng/kg lên 240.000 đồng/kg”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, ngoài giá xăng dầu tăng mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi ngày càng đắt đỏ cũng là nguyên nhân lớn khiến giá thành các loại thực phẩm tăng cao.

Giá nhập tăng cao thì mình phải bán cao thôi, không còn cách nào khác”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Khách không còn là "Thượng đế"

Nguồn cung hạn chế, thậm chí bị đứt đoạn khiến nhiều quán nhậu, nhà hàng không thể phục vụ khách như mong muốn. Nhiều thực khách bị từ chối thẳng thừng những nhu cầu gọi món ăn.

Cách đây khoảng một tuần, gia đình chị Hương (quận Hoàng Mai) đến một quán ăn bán đồ miền Nam để thưởng thức món lẩu cá kèo. Nhưng khi đến nơi, gọi món thì được nhân viên cho biết, nếu ăn cá kèo thì gia đình 4 người nhà chị chỉ được ăn nồi lẩu có 8 con cá với giá 350.000 đồng.

Chị Hương thắc mắc thì được biết cá kèo đang khan hiếm, mỗi khách hàng đến chỉ được ăn nồi lẩu như vậy để quán còn có thể bán được cho nhiều khách. Nhân viên nhà hàng cũng tư vấn gia đình chị nên chọn món khác thay vì lẩu cá kèo vì giá đắt đỏ mà lại ít hàng.

Trước đây, một nồi lẩu cá kèo phải được 16-17 con. Bây giờ được 8 còn thì ít quá, đã thế lại không được gọi thêm, nhà hàng cũng không bán cá kèo nướng luôn”, chị Hương thất vọng.

Anh Hoàng Văn Thái (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cuối tuần qua cũng chiêu đãi đồng nghiệp của mình món vịt cổ xanh khoái khẩu tại một quán quen. Đặt hai con vịt để nhà hàng chế biến các món, sau khi dùng bữa, thanh toán thì anh giật mình khi thấy hóa đơn tăng gần gấp đôi so với trước.

Trước đây, vẫn là 2 con vịt, chế biến các món tiết canh, vịt luộc, canh khoai, cổ vịt nấu khoai, mấy cái nem và vài chai bia… khi thanh toán chỉ hết khoảng hơn 1 triệu đồng. Còn bây giờ thực đơn vẫn như vậy mà tôi thanh toán hết gần 2 triệu đồng. Dù được nhà hàng báo trước là đồ ăn có lên giá nhưng tôi không nghĩ là lên cao như vậy”, anh Thái chia sẻ.

Còn anh Văn Biển (Thanh Trì, Hà Nội) thì cho biết cách đây vài hôm anh mời đối tác đi ăn tại một nhà hàng hải sản, anh gọi vài món là lạ để chiêu đãi khách thì nhân viên cho biết không có hàng.

Tôi gọi cá mú thì họ nói món này giá đang cao hơn bình thường, mời tôi chọn món khác. Tôi gọi cá bớp thì nhân viên lại bảo món này giá cũng lên cao quá nên nhà hàng tạm thời không nhập về bán. Tiếp khách mà gặp phải ca này quả là hơi mất mặt”, anh Biển than thở.

Nguồn: vtc.vn