Để lấy lại niềm tin của dân, phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng hơn nữa
Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đáng chú ý, kết luận yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về nội dung này.
Ông Nguyễn Túc
Phóng viên: Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa gì?
Ông NGUYỄN TÚC: Chúng ta đều thấy, hiện nay, tham nhũng đã len lỏi vào tất cả các ngành, lĩnh vực. Càng ngày, tham nhũng càng ở các cấp cao chứ không phải chỉ ở cơ sở như Đại hội VII, Đại hội VIII của Đảng đã nêu. Nghiên cứu kỹ lại các văn kiện Đại hội Đảng, chúng ta thấy rõ, Đại hội VII trong báo cáo chính trị đã nêu là một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Đến Đại hội VIII, không còn là “một số” nữa mà đã thành một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Đến Đại hội IX, đã thành “một bộ phận không nhỏ”. Đến Đại hội X, vẫn xác định, số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật tiếp tục tăng lên, số cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng, lần đầu tiên trong Đảng ta có những đồng chí Ủy viên Trung ương bị xử lý hình sự. Đến Đại hội XII, đã có Ủy viên Bộ Chính trị vướng lao lý.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Chính trị ra Kết luận 12 là hết sức cần thiết. Những năm qua, chúng ta thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nhưng đã làm được chưa? Điều này tại Đại hội XIII của Đảng mới đây cũng bàn rất kỹ. Chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được tham nhũng. Nên trong tình hình hiện nay, để yên dân, để lấy lại niềm tin của dân, củng cố niềm tin của nhân dân, nhất định phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hơn nữa.
Trong Kết luận số 12, Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Ông nghĩ gì về điều này?
Chúng ta phải thấy sự tự diễn biến, thoái hóa, biến chất diễn ra trong từng con người một. Tại sao thời bao cấp ít tham nhũng, tiêu cực? Vì thời bao cấp, điều kiện kinh tế không cho phép. Đa phần cán bộ thời bao cấp tham gia phụ trách các ngành, các cấp đều là những người vừa qua chiến tranh, qua sinh tử, họ nhận một món quà gì đó là sợ lắm rồi, lương tâm cắn rứt. Bây giờ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nhiều người quên mất định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ biết cơ chế thị trường nên họ lo chạy chức chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp để khi có chức có quyền, họ vơ vét của dân. Tôi rất đồng tình với Bộ Chính trị ở Kết luận 12 về việc phải kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực, như vậy mới bảo đảm được chế độ của chúng ta. Nhất là trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ. Khi biết nhục vì rơi vào tham nhũng thì người ta sẽ tự bảo vệ mình và tự khắc có khả năng chống được tham nhũng… Nhìn vào những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vừa rồi thấy họ mất tất cả, mất cả danh giá và quyền lợi vật chất. Do vậy, phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, về điều này để họ tự bảo vệ lấy họ, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua vụ kit test liên quan Công ty Việt Á càng cho thấy, từ nội tại doanh nghiệp đã câu kết được với bên ngoài, cán bộ thoái hóa rất dễ bị vật chất và đồng tiền mua chuộc. Vì thế, phải thực hiện cho được điều Đảng ta đã nói là kiên quyết ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng, lạm dụng quyền lực, chống lại nhóm lợi ích, bè phái.
Kết luận 12 cũng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực? Theo ông, chúng ta cần phát huy ra sao?
Tham nhũng chưa được ngăn chặn có nguyên nhân do thể chế của chúng ta còn tạo cơ hội cho người ta tham nhũng. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, vấn đề xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ đang là vướng mắc. Đây là điều mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ thời cố chủ tịch Lê Quang Đạo đã đặt ra, đến nay vẫn đang tiếp tục được đặt ra. Ai giám sát các đồng chí chủ chốt, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, các ngành trung ương? Nếu không giám sát quyền lực đối với các đồng chí đó thì tự biến các đồng chí thành những “ông vua con” ở từng vùng, địa phương, rất nguy hiểm.
Mặt trận đã nhiều lần đề nghị có quy chế phối hợp giữa Mặt trận với Đảng, vì Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là một thành viên của Mặt trận, phải có quy chế làm việc giữa Đảng và Mặt trận. Hiện nay đã có quy chế phối hợp hoạt động giữa Mặt trận với Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nhưng chưa có với Đảng. Vấn đề này đã được đặt ra từ rất sớm, Đảng trong lòng dân, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân nhưng mà quy chế giám sát Đảng như thế nào chưa có. Cần thấy rõ, cơ chế tập trung, dân chủ hiện nay chúng ta chưa thực hiện tốt. Tất cả các vụ án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo ra Trung ương đều nêu có vi phạm tập trung, dân chủ, đó là vấn đề rất đáng lưu ý. Do đó, vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực sự phải được coi trọng và được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Kết luận 12 cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Ông nhận định gì về điều này?
Đó là điều chúng ta phải làm thật tốt, vì đó là chuyện sinh mạng của con người. Khi bị tố cáo tiêu cực, họ có thể đến tận nhà người tố cáo để trả thù. Ngay bản thân tôi, một người trong gia đình thấy có trường hợp không đáng tin cậy, từng đi tù nhưng được giao trông giữ xe nên đã phản ánh lên Thành ủy, Quận ủy; sau đó thông tin lộ ra, đối tượng kia đến tận nhà dọa, bắt rút đơn phản ánh. Tôi gọi điện cho trưởng công an quận đề nghị dẹp ngay. Đó là tôi có tiếng nói nên người nhà tôi không bị nguy hiểm. Nếu là người dân bình thường đi tố cáo mà không được bảo vệ thì họ sẽ ra sao? Có bao nhiêu người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực nhưng bị “chết oan” vì không ai bảo vệ? Nếu không có cơ chế bảo vệ bí mật, hoặc cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực thì rất nguy hiểm.
Nguồn: https://sggp.org.vn//de-lay-lai-niem-tin-cua-dan-phai-day-manh-phong-chong-tham-nhung-hon-nua-807064.html