Chủ tịch nước: ‘Nghiên cứu vắc xin trong nước đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia…’

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đe doạ đến tính mạng người dân, việc nghiên cứu để sớm có vắc xin trong nước là rất cấp bách, được đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen- Khu công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) - đơn vị đang nghiên cứu vắc xin Nanocovax và Bệnh viện dã chiến số 16.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, ngày 17/12/2020, Nanocovax được thử nghiệm tiêm mũi đầu tiên trên cơ thể người.

Qua hơn 7 tháng, Công ty đã có báo cáo giai đoạn 1 và 2, tuần này sẽ có báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 1.000 người đầu tiên và 13.000 người đã trải qua cả 3 giai đoạn thử nghiệm.

Tỷ lệ người có phản ứng mạnh với vắc xin rất thấp, chưa có trường hợp nào tử vong. Kết quả thử nghiệm cho thấy, Nanocovax được chứng minh là vắc xin an toàn, có khả năng trung hòa, xử lý vi rút chủng Delta, Anh, Ấn Độ và chủng gây bệnh ở Vũ Hán.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với công ty cổ phần công nghệ sinh học Nanogen chiều 29/7. Ảnh: TTBC

Hiện nay, khoảng 30 quốc gia gửi bản ghi nhớ (MOU) đăng ký chuyển giao công nghệ. Tổ chức Y tế thế giới cũng đang nghiên cứu hồ sơ để sử dụng vắc xin Nanocovax chung với các loại vắc xin khác trên thế giới.

Về khả năng sản xuất, hiện nay Công ty có thể đạt khoảng hơn 10 triệu liều/tháng, nhà máy đã đầu tư thêm 4 dây chuyền sản xuất nguyên liệu và thành phẩm nên đến tháng 10/2021 trở đi có thể sản xuất 30 triệu liều/tháng.

Công ty đề xuất xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện vắc xin Nanocovax để kịp thời đáp ứng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tại buổi làm việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống COVID-19 là 5K+ vắc xin, trong đó vắc xin là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Hiện nay Đảng, Nhà nước đang thúc đẩy chiến lược mua vắc xin, đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin trong nước để tự chủ hơn về nguồn cung. Vì vậy, cần làm rõ thuận lợi, khó khăn gì trong sản xuất vắc xin Nanocovax để cùng tháo gỡ, nhất là việc thúc đẩy thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin Nanocovax vào sử dụng trong bối cảnh người dân đang rất cần.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương về đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin COVID-19 trong nước được đề ra từ rất sớm, khoảng tháng 3/2020 khi ông còn ở cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu trong chiến lược nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước của Việt Nam hiện nay không chỉ phục vụ người dân trong nước mà còn vươn ra phục vụ các nước trong khu vực và thế giới".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đe doạ đến tính mạng người dân, việc nghiên cứu để sớm có vắc xin trong nước là rất cấp bách, được đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia”, Chủ tịch nước nêu rõ và đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương đẩy nhanh các quy trình, đặc biệt quy trình chuyên môn, đảm bảo sớm phê chuẩn vắc xin đưa vào sử dụng và đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Công ty Nanogen không ngừng hoàn thiện công nghệ, cải thiện nâng cao chất lượng vắc xin.

“Mục tiêu trong chiến lược nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước của Việt Nam hiện nay không chỉ phục vụ người dân trong nước mà còn vươn ra phục vụ các nước trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, cần phải sớm hoàn thiện mọi phương diện, từ hình thức, mẫu mã, chất lượng vắc xin để có thể tham gia vắc xin toàn cầu”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Bệnh viện Dã chiến số 16 của TPHCM đặt tại phường Phú Thuận, (Quận 7), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/7 với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày tức tốc xây dựng.

Theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, trong ngày đầu tiên, Bệnh viện Dã chiến số 16 có gần 700 giường. Hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường. Số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8/2021.

Chủ tịch nước tặng quà cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: TTBC

Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận, vận hành. Tất cả phòng bệnh của Bệnh viện Dã chiến số 16 được thiết kế thoáng mát, chia ra nhiều phân khu khác nhau: Phân khu điều hành; khu bệnh nhân mới tiếp nhận; khu bệnh nhân có triệu chứng; khu cấp cứu…

Bệnh viện có đến 350 đầu ô xy đáp ứng cùng lúc cho hàng loạt bệnh nhân trong tình huống phải cấp cứu, thở ô xy đồng thời đã lắp đặt bồn ô xy có dung tích 7,5m3 dẫn ô xy tới tận 350 giường cho bệnh nhân. Cùng với đó chuẩn bị sẵn 350 bình ô xy di động có gắn đầy đủ các bộ thở và dụng cụ đi kèm.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Hùng Vương sẽ điều sang Bệnh viện Dã chiến số 16 hơn 300 y bác sĩ. Số lượng này theo tiến trình tiếp nhận bệnh nhân. Nhiều máy móc, phương tiện đã sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh TPHCM đã chủ động chỉ đạo mở rộng cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 16 với quy mô 3000 giường chỉ sau 20 ngày xây dựng cùng với đội ngũ 300 y bác sĩ là nỗ lực rất lớn, rất quyết tâm.

Chủ tịch nước: ‘Nghiên cứu vắc xin trong nước đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia…’ ảnh 3

Bệnh viện dã chiến số 16 đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19

Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo TPHCM tiếp tục quan tâm để chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết nhằm sớm vận hành Bệnh viện, góp phần tập trung cho công tác điều trị để giảm thiểu số ca tử vong.

Chủ tịch nước cũng biểu dương các cấp, các ngành, các lực lượng của TPHCM; trân trọng và ghi nhận sự hỗ trợ của các đơn vị hỗ trợ về cơ sở vật chất; cảm ơn lực lượng y tế đã không ngừng cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, bám trụ vững vàng vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Nguồn Tienphong