Christian Dior - Gã khổng lồ thời trang thế kỷ 20 không được lòng quý cô Chanel

Chanel chỉ trích Dior không hiểu phụ nữ. Bà cho rằng thiết kế của ông khiến phụ nữ lại một lần nữa phải tuân thủ các quy tắc ăn mặc khó khăn của thế kỷ 19.

Ngành công nghiệp thời trang có rất nhiều cặp “kỳ phùng địch thủ” nổi tiếng như Yves Saint Laurent và Karl Lagerfeld, Giorgio Armani và Donatella Versace, Tyra và Naomi. Tất nhiên, chúng ta không thể quên mối quan hệ căng thẳng giữa “nữ tướng” Coco Chanel với “ông hoàng xa xỉ” Dior. Sự cạnh tranh của họ khiến cho thế giới thời trang phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra những dấu ấn sâu sắc cho từng giai đoạn lịch sử.

Chanel đã từng thẳng thắn chỉ trích Christian Dior - gã khổng lồ của làng thời trang thế kỷ 20 - không dưới một lần.

Sau chiến tranh, mọi người vẫn giữ thói quen mặc quần áo thực dụng và khắc khổ. Trong những năm 1920s và 30s, những bộ cánh thoải mái trở nên phổ biến trên thị trường, chúng giúp giải phóng phụ nữ khỏi váy áo lùng bùng và áo nịt ngực khó chịu. Tuy nhiên, Dior từ chối xu hướng này. Ông muốn tạo ra hình ảnh người phụ nữ quyến rũ, nữ tính một cách triệt để. Đó là lý do tại sao ông cho ra đời mẫu váy có phần vai ngang, eo thắt nhỏ và chân váy chữ A xòe rộng.

Trang phục của ông sẽ giúp người mặc tôn lên ba vòng đồng hồ cát một cách rõ ràng. Dior nhanh chóng trở thành ngôi sao mới của làng thời trang cao cấp Paris và nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của phụ nữ đương đại. New Look - diện mạo huyền thoại đã cùng Dior ghi tên vào dòng chảy lịch sử thời trang. Thiết kế của ông mang đến sức hấp dẫn hoài cổ mạnh mẽ, khiến con người ta ngay lập tức liên tưởng tới bối cảnh xã hội thời hậu chiến. Những chiếc váy của Dior không hề dễ mặc, có chiếc nặng tới 27 kg. Dior không quan tâm đến chủ nghĩa thực dụng mà ông muốn tạo nên những giấc mơ và sự hào nhoáng.

New Look của Dior.

Năm 1945, Chanel chuyển đến Thụy Sĩ và phải đứng nhìn Haute Couture trở thành sân chơi riêng cho cánh mày râu. Người dẫn đầu làn sóng không ai khác chính là nhà thiết kế Christian Dior.

Trang phục tạo nên phom dáng đồng hồ cát trái ngược hoàn toàn với kiểu váy áo suôn thẳng, đổ tự do của Chanel và gợi gây liên tưởng đến chiếc áo choàng à la française của Marie Antoinette. Không bị thuyết phục bởi siêu sao Dior, Chanel quyết tâm giữ vững quan điểm phụ nữ cần được ăn vận thoải mái, không bị trói buộc hay thắt chặt ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

“Những người phụ nữ này nhìn thật nực cười làm sao, mặc quần áo được tạo ra bởi một người đàn ông chẳng hiểu gì về phụ nữ. Dior không mặc đồ cho phụ nữ, anh ta bọc họ lại”, Chanel nói.

Bà chỉ trích Dior vì đã lôi kéo phụ nữ trở về với những chuẩn mực ăn mặc khó khăn của thế kỷ 19 và những phụ nữ mặc váy của Dior khi ngồi xuống trông giống như "một chiếc ghế bành cũ".

Dior đáp trả: “Tôi nghĩ công việc thiết kế của tôi giống như một công trình kiến trúc phù du, dành riêng cho vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ”.

Chanel thích sự thanh lịch và thích thêm các chi tiết nam tính vào các thiết kế của mình. Bà cho rằng đây là cách bà trao quyền cho phụ nữ. Cuối thập kỷ 1920s, bà đã tạo ra một cuộc cách mạng với chiếc váy đen nhỏ, được tạp chí Vogue mô tả là “Chanel’s Ford” - giống với tên Motor T của hãng xe nổi tiếng. Trên tất cả, trang phục của bà mang lại cảm giác dân chủ, phụ nữ thuộc mọi tầng lớp đều có thể mặc thoải mái.

Tuy nhiên, có lẽ vẻ ngoài mang tính biểu tượng nhất của Chanel vẫn là bộ đồ hai mảnh làm bằng vải tuýt. Thiết kế này của bà được tất cả những phụ nữ nổi tiếng thời đó yêu thích, từ Brigitte Bardot, Công nương Diana đến Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy.

Ở Mỹ, rất nhiều phụ nữ đồng tình với quan điểm của Chanel. Họ thậm chí còn tổ chức biểu tình, cầm những tấm biển chỉ trích, yêu cầu Dior mang New Look về Pháp. Hòa cùng sự phẫn nộ của công chúng, tạp chí Time đã thực hiện một cuộc khảo sát với câu hỏi "Bạn ủng hộ hay phản đối New Look?".

Bất chấp những chỉ trích của Chanel, rất nhiều phụ nữ có tầm ảnh hưởng vẫn “phải lòng” thiết kế của Dior. Diễn viên ballet Margot Fonteyn, nhà văn Nancy Mitford, Công chúa Margaret thời trẻ đều là những người ủng hộ nhiệt thành của nhà mốt. Công chúa thậm chí còn đến thăm xưởng may ở Paris của ông trong chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên của cô ở tuổi 18. Vào sinh nhật thứ 21, Công chúa đã mặc chiếc váy couture của Dior và sau này, nó được mệnh danh là “chiếc váy được tất cả mọi người yêu thích”.

Chiếc váy huyền thoại của công chúa Margaret.

Năm 1953, Chanel trở lại làng thời trang. Ban đầu, các thiết kế của bà không được đón nhận nhiều, nhưng bà vẫn kiên trì với các thiết kế nữ tính, dễ mặc cho đến khi chúng được phái đẹp công nhận thêm một lần nữa.

Chanel cho rằng Dior không hiểu gì về phụ nữ nhưng trên thực tế ông lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi những người phụ nữ xung quanh ông (trong đó có 3 người vô cùng đặc biệt). Người đầu tiên là Madame Raymonde Zehnacker, giám đốc xưởng thiết kế từng được Dior mô tả là “bản ngã thứ hai của tôi” trong cuốn sách Je Suis Couturier.

Người thứ hai là Marguerite Carré, được Dior ưu ái gọi là “thiên tài kỹ thuật” có khả năng biến mọi bản phác thảo của ông thành hiện thực. Người thứ ba là Mitzah Bricard, nàng thơ, bạn tâm giao của Dior.

Định hướng thẩm mỹ của Chanel và Dior có thể trái ngược nhau nhưng cả hai thương hiệu đều tạo ra những thiết kế gây ảnh hưởng lớn tới phong cách ăn mặc của phụ nữ. Các sáng tạo của họ không chỉ gây tiếng vang tại thời điểm ra mắt mà còn có sức sống mãnh liệt, trường tồn suốt nhiều thập kỷ sau này.

Nguồn: saostar.vn